Hơn 90% các bậc cha mẹ được hỏi cho rằng nên gộp nhà trẻ vào hệ thống giáo dục phổ cập miễn phí, và hơn 70% tin rằng nhà nước cần mở thêm nhều nhà trẻ công mới.
Trong cuộc khảo sát trên mạng mới đây của China Youth Daily, khoảng 64% trong số 10.400 bậc cha mẹ trẻ cho rằng học phí cao là trở ngại lớn nhất trong việc trẻ đến trường.
Trẻ chơi ở trường học tại tỉnh An Huy, Trung Quốc, nơi mà chi phí học mầm non còn cao hơn đại học. Ảnh: Newscom. |
Giống như nhiều người khác, Liu Jingjing, một phụ nữ Bắc Kinh 29 tuổi, làm nội trợ, cho biết chị không đủ tiền cho cậu con trai 2 tuổi vào học ở một trường mầm non uy tín.
“Tôi đã đến vài nhà trẻ công, tất cả đều bảo rằng học phí mỗi năm vào khoảng 10.000 tệ (khoảng 27 triệu đồng), nhưng tôi tin rằng tổng số thực tế lớn còn lớn hơn”, Liu nói.
“Ngay cả nếu tôi đủ tiền để đóng, con trai chúng tôi cũng không thể vào đó. Các nhà trẻ tốt thường nhận con em của các giáo viên trước, sau đó là của người quen, cuối cùng chỉ còn lại vài suất”.
Hu Hua, giám đốc nhà trẻ thực nghiệm liên kết với Đại học Phụ nữ Trung Quốc, cho biết khó khăn ở đây là lượng cầu về nhà trẻ luôn lớn hơn nguồn cung – một tình trạng mất cân bằng do các bậc cha mẹ trẻ dồn về các đô thị sinh sống.
Thêm vào đó, số trẻ sinh trong thời kỳ bùng nổ dân số 2007-2008 – năm đẹp để sinh con theo lịch âm Trung Quốc – đang đến tuổi đi lớp trong năm nay.
Wang Huamin, cựu tổng thư ký của Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non Trung Quốc, cho biết những gia đình giàu có và có thế lực sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa trẻ tới trường, trong khi với nhiều gia đình khác thì khoản học phí cao này quả là một gánh nặng.
Theo Chinadaily, số nhà trẻ công bao cấp tại Trung Quốc bắt đầu giảm dần trong năm 2000. Năm đó, chính phủ đã cải cách hệ thống giáo dục mầm non và yêu cầu nhiều nhà trẻ hoạt động theo hình thức kinh doanh.
Trong một bài báo hồi tháng 2 vừa qua, tờ csmonitor cho biết tại Trung Quốc ngày nay, chi phí cho một đứa trẻ đi học mầm non còn cao hơn cả cho một sinh viên đại học. Tại Bắc Kinh, hầu như không thể tìm thấy nhà trẻ uy tín nào có học phí thấp hơn 1.000 tệ (2,7 triệu) mỗi tháng, bằng một phần tư tháng lương trung bình của người lao động ở thủ đô này.
T. An
(theo vnexpress)