Minh họa về sự cố va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái đất. |
Hằng triệu thiên thạch nhỏ li ti đánh bom Trái đất mỗi ngày nhưng may thay chúng đã bùng cháy trong khí quyển trước khi kịp gây ra tổn hại nào cho Trái đất. Tuy nhiên một ngày nào đó, Trái đất có thể bị một thiên thạch đủ lớn tông vào, phá hủy cả một thành phố hoặc tồi tệ hơn nữa. Đó là lí do mà chúng ta nên biết về những “láng giềng” không mấy thân thiện đang vờn quanh Trái đất.
Hình ảnh của kính thiên văn WISE về thiên hà láng giềng Messier 83. |
Chỉ trong sáu tháng đầu hoạt động, chiếc kính thiên văn mới nhất NASA WISE (Wide-field Infrared Survey Explorer) đã phát hiện thêm 25.000 tiểu hành tinh, 95 trong số này được coi là những hành tinh gần trái đất. “Gần Trái đất” theo cách nói của các nhà thiên văn là khoảng cách 30 triệu dặm, tương đương 1/3 quãng đường từ Trái đất đến Mặt trời.
Những tiểu hành tinh này được phát hiện nhờ kính thiên văn WISE – một kính thiên văn vũ trụ được thiết kế để nghiên cứu bầu trời bằng cách ghi lại bức xạ hồng ngoại. Kính thiên văn này đã hoàn thành đợt khảo sát đầu tiên về toàn bộ bầu trời vào hôm thứ Bảy vừa qua (17/7) và ghi lại hơn 1 triệu hình ảnh, từ những hành tinh nhỏ cho đến những thiên hà xa xôi.
Cụm sao Pleiades do WISE ghi lại. Cụm sao này trong dân gian gọi là sao tua rua hay sao mạ, thường xuất hiện ở nước ta vào sáng sớm tháng 6 Dương lịch. |
Nghiên cứu về các hành tinh nhỏ không chỉ quan trọng vì nguy cơ những thiên thể này đe dọa sự sống Trái đất mà còn vì chúng có thể chứa những thành phần then chốt cho sự sống như nước và các amino acids. Lịch sử của Hệ Mặt trời cũng như của chính sự sống có thể ẩn giấu đâu đó trong vô số những “tảng đá” âm thầm lượn quanh Mặt trời.
Trong 3 tháng tới, WISE sẽ tiếp tục vẽ lại bản đồ của nửa bầu trời để củng cố dữ liệu kính thiên văn, xác định những thay đổi của bầu trời cũng như khám phá thêm những bí ẩn về hành tinh nhỏ, các ngôi sao và thiên hà.
Dưới đây là một số hình ảnh về những hành tinh nhỏ khá nổi bật xuất hiện gần Trái đất:
Tiểu hành tinh 951 hay còn gọi là Gaspra hiện vẫn ở khoảng cách an toàn trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Hình dáng không đều giống một chiếc răng và ít những miệng hố lớn cho thấy tiểu hành tinh này khoảng 300 – 500 triệu năm tuổi.
Tiểu hành tinh 243 – Ida có cả một mặt trăng đồng hành cùng nó. Ida cũng có hình dáng kì quái như Gaspra nhưng nó già cỗi như tuổi thọ của hệ mặt trời vậy.
Xếp thứ hai sau Ganymed, Eros là một trong số tiểu hành tinh lớn nhất đang trôi đến gần Trái đất ở mức nguy hiểm. Với kích thước 34.4×11.2×11.2 km, Eros tương đương thiên thạch đã quét sạch thế giới khủng long khỏi Trái đất. Những ước đoán cho rằng Eros có thể lao vào Trái đất trong hai triệu năm nữa.
Itokawa (tiểu hành tinh 25143) có hình hạt đậu trông như khối cao su vô hại nhưng trong một vài triệu năm nữa nó có thể đâm vào Trái đất. Tàu vũ trụ Hayabusa của Nhật đã từng hạ cánh xuống bề mặt Itokawa và mang về Trái đất một ít mẫu vật.
Phải có lý do để tiểu hành tinh này mang tên vị thần tàn phá của Ai Cập!? Bởi vì nó có khả năng ảnh hưởng đến Trái đất trong vòng ¼ thế kỉ. Theo dự đoán, sau khi tiếp cận “sát sườn” Trái đất với khoảng cách chỉ bằng 10% khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng vào thứ Sáu ngày 13/4/2029, Apophis lại có 1/45.000 cơ hội oanh tạc Trái đất vào năm 2036 khi nó vòng trở lại. Tuy nhiên chúng ta có thể thở phào vì những tính toán gần đây đã giảm nguy cơ này xuống 1/250.000. Mặc dù nguy cơ về Apophis đã giảm đi nhưng các nhà khoa học vẫn muốn gửi một máy truyền tín hiệu lên tiểu hành tinh này để giám sát tốt hơn đường đi của nó. Hiện nay, nước Nga đang muốn thực hiện nhiệm vụ đánh chệch hướng tiểu hành tinh này, trong trường hợp những tính toán sai lầm!
(theo vietnamnet)