Gốm Trần Độ hội tụ các tinh hoa của gốm Bát Tràng, vừa mang tính dân tộc, vừa có sự cách tân, đổi mới. Trong các tác phẩm của anh, có thể thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như: gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, men nhiều màu thời Hậu Lê – Nguyễn, gốm men rạn…
Khi được hỏi về ý định chia sẻ những công thức làm men gốm, Trần Độ nói: “Cần đi sâu, tìm hiểu, nghiên cứu, còn nếu không biết gì ngoài công thức thì cũng không thể làm gốm được. Công thức của tôi, con đường mà tôi đi ở trong đất nước này. Ở khắp nơi tôi đều tìm thấy nguyên liệu để làm gốm, ý tưởng để sáng tạo ra loại men mới”.
Anh thêm vào: “Tất nhiên tôi cũng ghi chép các công thức mà mình tìm ra một cách rất cẩn thận và dự định truyền lại cho con cháu, những người tâm huyết với nghề”.
Nói về việc tiếp thu các giá trị truyền thống của gốm cổ để đưa vào các tác phẩm hiện đại, nghệ nhân cho biết: “Năm 1996, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó còn là Phó Thủ tướng, đã đến thăm gia đình tôi và khuyên, bằng mọi cách phải mô phỏng những dáng dấp của cha ông để lại. Đó là lời khích lệ rất lớn đối với tôi”.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu của triển lãm lần này là tượng “Cụ rùa Hồ Gươm”, qua đó nghệ nhân gửi gắm tinh thần lịch sử hướng về 1000 năm Thăng Long Hà Nội, với cách thể hiện rất… Bát Tràng.
Nhân dịp này, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng ra mắt sách ảnh “Gốm Trần Độ – hồi cố và thể nghiệm” gồm hơn 200 tác phẩm tiêu biểu của nghệ nhân này. Sách do tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành về gốm sứ hiện nay, tuyển chọn và biên soạn.
Nghệ nhân Trần Độ sinh năm 1957 tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Làm gốm từ năm 10 tuổi, đến nay anh đã có nhiều tác phẩm gốm hội tụ tinh hoa truyền thống và đổi mới. Năm 2003, Trần Độ được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Từ năm 2004 đến nay, anh đã sáng tạo nhiều tác phẩm được dùng làm quà tặng ngoại giao của Chính phủ.
(theo vne)