Phi thuyền của Mỹ vừa gửi về trái đất hình ảnh vụ nổ lớn nhất trong nhiều năm trên mặt trời.
Hình ảnh vụ nổ trên mặt trời do hai tàu vũ trụ của NASA gửi về. Ảnh: NASA.
Vụ nổ đẩy hàng tỷ tấn plasma khổng lồ ra khỏi mặt trời. Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất (ba trạng thái khác là rắn, lỏng, khí) trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Phần lớn nguyên tử hay nguyên tử chỉ còn lại hạt nhân, còn các electron chuyển động tương đối tự do giữa các hạt nhân.
Khi đám mây hạt mang điện tích tiếp xúc với từ trường của trái đất vào ngày 3/8, sự tương tác giữa chúng tạo nên vô số cực quang trên bầu trời. Tuy nhiên, trận bão từ này không gây nguy hiểm cho các nhà du hành trên Trạm Không gian quốc tế.
Tàu Solar Dynamics Observatory của Mỹ chụp được hình ảnh về vụ nổ vào ngày 1/8 bằng máy ảnh tia cực tím. Vùng trắng ở nửa trên, bên trái mặt trời là nơi vụ nổ xảy ra, còn đám vật chất hình sóng gần đó chính là trận “sóng thần” hướng tới địa cầu. Những hạt mang điện tích cũng thoát ra từ nhiều nơi khác trên bề mặt của ngôi sao khổng lồ. Mỗi màu trong ảnh biểu thị một mức nhiệt độ của vật chất.
Kết quả đo đạc cho thấy đám mây plasma tiến về trái đất với vận tốc hơn 1.000 km/giây, hay 3,6 triệu km/h. Với vận tốc đó, plasma vượt qua khoảng cách 150 triệu km giữa mặt trời và trái đất trong vòng từ 2 tới 4 ngày.
Minh Long
(theo vnexpress)