Giúp con giải quyết mâu thuẫn
Thursday, August 5, 2010 8:37
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Lâu nay nói đến bạo lực học đường, người ta thường phân tích những hành vi côn đồ, lập bè phái đánh nhau giữa học sinh… mà quên rằng nhiều khi nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng kéo dài, không được quan tâm và giải quyết đến nơi đến chốn.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Trong lòng ấm ức, đến trường đánh bạn
Chị Thanh được cô giáo chủ nhiệm của con trai mời lên nói chuyện. Bất ngờ, lo lắng vì không biết cậu con trai 9 tuổi đã gây nên lỗi gì, chị sắp xếp công việc để đến trường đón con sớm hơn. Trò chuyện với cô giáo, chị mới biết thời gian gần đây, cu Bin thường hay đánh bạn, dù nguyên nhân rất nhỏ nhặt: do bạn giẫm trúng giày. Đưa con về nhà, sau một hồi gặng hỏi nguyên nhân, chị mới vỡ lẽ. Chẳng là ngày nào đi học về đôi giày trắng của cu Bin cũng bị vấy bẩn, bực mình, chị mắng con: “Sao không biết giữ giày cho sạch, làm mẹ phải mất thời gian giặt giày cho con”. Không ngờ, ấm ức vì không phải lỗi của mình mà bị mẹ mắng nên hễ bị bạn vô tình giẫm phải giày, cu Bin lại gây gổ, đánh bạn vì mặc nhiên cho rằng bạn là nguyên nhân khiến mình bị mắng.
Vốn không được học hành đến nơi đến chốn, vì thế khi có được một cuộc sống vật chất đầy đủ, bà Yến đặt kỳ vọng vào đứa con gái xinh xắn, thông minh, luôn là học sinh giỏi trong những năm học tiểu học. Tuy nhiên, càng lớn, Minh càng học hành sa sút, trả treo với cha mẹ. Không ít lần bà Yến bị nhà trường mời lên làm việc vì Minh không thuộc bài, hay gây sự đánh bạn, đôi khi chỉ vì “nhìn không vừa mắt”. 15 tuổi, Minh quan hệ tình dục với bạn trai và nhất quyết không chịu đi học cho dù bà hết năn nỉ đến chửi mắng. Được người quen hướng dẫn, bà tìm đến chuyên gia tâm lý. Chỉ khi được nghe phân tích, bà mới nhận ra những phức tạp của nghề nghiệp cho vay nặng lãi của bà khiến cho hình ảnh của người mẹ trong mắt con gái dễ sợ đến mức nào. Cũng từ đó, những lời nói, cử chỉ, hành động hung hăng, thậm chí độc ác với các con nợ của bà đã được Minh áp dụng một cách triệt để, không khác gì khuôn mẫu.
Thiếu tự tin nên bị hiếp đáp
Vốn bản tính nhút nhát, bé Nga (8 tuổi) không thích nói chuyện với ai, trừ Hân, cô bé học chung lớp vừa xinh vừa học giỏi và hay bênh vực Nga mỗi khi bị bạn trêu chọc. Biết vậy, bố mẹ Nga cũng thường nhờ Hân chăm sóc, quan tâm đến Nga. Nhưng có một lần, sau khi đón con về, mẹ Nga phát hiện trên tay bé có nhiều vết bầm đỏ. Xót con, mẹ Nga gặng hỏi mãi, thậm chí đưa ra ý kiến chuyển trường nhưng Nga một mực lắc đầu, im lặng. Mãi sau, qua một vài bạn cùng lớp, bố mẹ Nga mới biết Nga bị chính người bạn thân của mình “hành hung”. Hỏi thì Hân ngây thơ trả lời: “Tại bạn bám theo con hoài, con đánh để bạn chơi với những bạn khác, đừng quấy con nữa”.
Mới đây, khi cùng đi mua văn phòng phẩm, tôi được người bạn thân tâm sự về đứa con trai học lớp 3 thường xuyên “lỡ làm mất dụng cụ học tập”. Theo lời bạn, vốn gia đình khá giả lại hay đi công tác nước ngoài, bạn tôi thường sắm cho con dụng cụ học tập khá lạ và đẹp nhưng “bữa trước, bữa sau đã không còn”. Nhiều lần như thế, hỏi mãi thằng bé mới khai: “Bạn xin nên con cho. Làm vậy bạn mới cho con chơi cùng, nếu không ra chơi buồn lắm”. Thì ra, vốn thấp bé và không nhanh nhẹn bằng bạn bè cùng lứa, thằng bé thường bị “hắt hủi” không được các bạn trai cho chơi chung. Để lấy lòng, hễ bạn thích gì, nó sẵn lòng cho để được “chiếu cố”. Lâu dần, chuyện đó thành hiển nhiên, có đứa không thèm xin, tự động lấy luôn, nó cũng không dám lên tiếng. Cũng vì vậy mà trong một lần bị bạn lấy mất con robot mà nó yêu thích, tức quá, nó chụp tay bạn cắn đến tứa máu khiến bạn tôi bị một trận “mắng vốn” nên thân.
Lắng nghe, chia sẻ kịp thời Trao đổi trong chuyên đề “Giúp con giải quyết mâu thuẫn, phòng tránh bạo lực học đường” (do Trường Bồi dưỡng Văn hóa 218 Lý Tự Trọng, Trường THCS và THPT Đức Trí và Hội quán các bà mẹ TPHCM tổ chức), bà Võ Thị Minh Huệ- chuyên gia tâm lý Trung tâm Tư vấn Thanh Thiếu niên và gia đình, nói bạo lực học đường thể hiện qua bạo lực về hành vi, ngôn ngữ, tâm lý của thầy cô đối với học sinh; bạo lực từ xã hội tràn vào nhà trường và bạo lực trong chính học sinh.
Đối với trẻ em, xuất phát từ bản thân của trẻ đã có mâu thuẫn từ bên trong (trước khi đến trường đã chịu ấm ức ở nhà như mặc quần áo, mang giày dép… bị bố mẹ áp đặt nên dễ gây gổ khi đến trường), thiếu tự tin hoặc quá tự cao và quan trọng hơn, trẻ thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc. Ngoài ra, nguyên nhân có thể từ bạn bè (gây sự, hiểu lầm, ghen tị, ích kỷ, yêu sớm, ghen tuông…), thầy cô (đối xử thiếu công bằng, bạo lực, phản sư phạm…), môi trường học (nóng bức, chật chội…), môi trường sống và đặc biệt là gia đình (bố mẹ hay cãi nhau, hay quát nạt và dùng roi vọt, luôn chê bai, phê bình…).
Muốn giúp con giải quyết mâu thuẫn, trước hết bố mẹ phải khuyến khích con trò chuyện để lắng nghe và chia sẻ kịp thời. Cần đặt ra những câu hỏi để nắm chi tiết sự việc, tìm vấn đề làm nảy sinh mâu thuẫn, từ đó phân tích, chỉ cho con những nguyên nhân dẫn đến xung đột. Nếu cần thiết, bố mẹ nên cho con đối đầu với mâu thuẫn bằng cách cho gặp “đối thủ” càng sớm càng tốt với một cơ chế giúp sức đáng tin cậy (gặp nhau trong hoàn cảnh, thời gian, địa điểm hợp lý…). Quan trọng hơn nữa, cha mẹ cần trang bị cho con kỹ năng đàm phán (win-win – hai bên cùng thắng), kỹ năng giao tiếp (biết cảm ơn, xin lỗi), kỹ năng quản lý cảm xúc (biết nhận diện trạng thái cảm xúc, chế ngự cảm xúc, kiềm chế), dạy con không là người vô cảm với bạo lực…
|
Tố Trâm
(theo nld)