“Bác ơi, siêu nhân của cháu ở đâu?”, “Bà ơi, buộc giày cho Bi đi”, “Ông lấy kẹo cho Bo ăn nhé”….Hàng chục câu hỏi líu lo của 4 đứa trẻ làm cả nhà mệt nhoài, nhiều khi bật cười vì những suy nghĩ ngộ nghĩnh trẻ thơ…. Đó là khung cảnh rộn ràng chuẩn bị cho buổi tiệc mừng đầy tháng đứa cháu mới sinh của ông Phương-bà Đậu (Hà Đông, Hà Nội).
Suốt năm nay, ngôi nhà ba gian của ông bà có nhiều tin vui, hết đón cô con dâu út, lại mừng thôi nôi con của cháu gái thứ ba , đến đầy tháng đứa cháu trai của vợ chồng anh con út…Ông Phương cười móm mém: “Nhiều lúc không nhớ nổi, con cháu nhiều, nhưng mừng nhất là anh chị em, cháu chắt hòa thuận, giữ được lề lối truyền thống”.
Mang theo nét đẹp truyền thống của gia đình nhiều thế hệ ở miền Bắc , mặc những thay đổi xã hội, gia đình ông Phương luôn tràn ngập tiếng cười nói của con cháu.
Cả khu phố Cù Chính Lan vẫn nói vui đó là đại gia đình hạnh phúc. Con trai, dâu, rể…không phải không có điều kiện kinh tế để dựng nhà ở riêng, mà cái chính, họ muốn sống với bố mẹ già, hai ông bà cũng đã ở tuổi gần đất xa trời.
Tính đến nay, ngôi nhà nhỏ của ông phải cơi nới thêm nhiều lần, tất cả có tới 7 phòng riêng biệt. Cho 4 đôi vợ chồng các con trai, con gái, thêm phòng cho những đứa cháu.
“Buổi sáng, mọi người chuẩn bị đồ ăn, ăn sáng xong các anh chị tôi cũng đi làm. Bữa trưa ông bà vẫn tự nấu. Chỉ bữa tối là đông đủ nhất. Mọi người dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn cơm tối. Bữa cơm đầm ấm, đông đủ lắm. Bố mẹ tôi cũng thường hỏi chuyện công việc của các con, rồi căn dặn, hướng dẫn nhiều điều”. Chị Mai Phương-con dâu thứ ba kể.
Ngày mới lấy Quân, cô gái trẻ Tuyết Loan (Đông Anh, Hà Nội) giận chồng chỉ vì anh bảo về sống cùng bố mẹ. “Nhà Quân đã chật, các anh chị ở cùng nhà, tuy có vui thật đấy, nhưng về lâu dài làm sao tránh được chuyện này, chuyện kia, rồi thì đối nhân xử thế, mệt lắm! Nhưng vì chồng cứ nằng nặng bảo về ở với bố mẹ 1 năm rồi ra riêng, nên mình cũng lưỡng lự đồng ý”. Loan tâm sự.
Ngày mới về, vợ chồng Loan ở một phòng nhỏ, hơi chật nhưng không gian khá thoáng đãng. Sáng nào Loan cũng hẹn đồng hồ dậy từ sớm, lo cơm nước cho cả nhà. Nhưng bất ngờ nhất là các chị dâu của cô đã làm mọi thứ tinh tươm. Thấy cô ngượng ngùng, chị dâu thứ hai cười bảo: “Không sao đâu em, dần dần sẽ quen thôi. Sống với cả nhà nhưng cứ thoải mái nhé”.
Đến lúc Loan sinh con đầu lòng, các chị cũng là người chăm sóc tận tình nhất. Cô hầu như không phải làm việc gì cho đến khi khỏe hẳn. Cứ thế, hơn 2 năm trôi qua, vợ chồng Loan vẫn ở ngôi nhà cũ. “Bây giờ, chồng có bảo chuyển đến chung cư cho thoải mái mình cũng không đi đâu. Ở đây, cu Bin được ông bà, các bác dạy dỗ chăm sóc hơn cả bố mẹ. Lúc khó khăn vất vả có người chia sẻ. Sống đông vui quen rồi, ra ngoài thấy buồn lắm”.
Tài sản quý giá nhất
Sống chung trong đại gia đình đông người, hòa hợp là không dễ. Những khác biệt lối sống, ý thức hệ cũng gây ít nhiều mâu thuẫn cho người trong cuộc. Không ít bạn trẻ lớn lên trong những gia đình nhiều thế hệ thường có cảm giác mất tự do, không được làm những gì mình thích. Thế nhưng chính ứng xử của ông bà, bố mẹ lại là tấm gương soi tốt nhất cho con cháu học tập và rèn luyện.
Là con cháu trong một gia đình bốn thế hệ của ông Nguyễn Tạc và bà Phạm Thị Anh Tuyết (Từ Liêm, Hà Nội), anh Hoàng Minh Quân, 28 tuổi, chia sẻ niềm vui: “Gia đình tôi có truyền thống đón giao thừa ở nhà, dù có công việc hay hẹn hò gì cũng phải về nhà trước 24 giờ đêm đó. Nhiều người cho quy định đó cứng nhắc, nhưng chúng tôi luôn trân trọng nếp nhà hiếm hoi ấy. Thời khắc giao mùa, cảm nhận tình thương yêu lan tỏa từ ông bà, cha mẹ đến con cháu, xúc động với thời khắc tưởng nhớ tổ tiên, tất cả điều đó đã giúp tôi hiểu rằng với một tâm hồn Việt con người Việt, thì gia đình chính là thứ tài sản lớn quý giá nhất”.
Trái với sự khắt khe, khó tính thường thấy của người lớn tuổi, bỏ qua hết những bất tiện khi sống chung, bà Tuyết cho rằng hạnh phúc nhất của đời sống người già là nhìn thấy con cái thành gia lập thất. “Lớn tuổi rồi, rày đây mai đó, sống có được bao nhiêu, đỡ đần con cái, được chăm cháu nhỏ là cái phúc của người già. Cực thì cực nhưng vui. Chỉ dăm bước đi xa thăm họ hàng thôi đã thấy nhớ tiếng tíu tít, bi bô của mấy đứa cháu rồi, thương lắm, không rời được”.
“Mâu thuẫn thế hệ trong gia đình là chuyện đương nhiên. Khác biệt về định hướng, các giá trị tôn thờ, khiến gia đình nảy sinh xung đột. Nhưng người Việt mình vẫn biết kềm giữ và rất hiểu đạo lý nên mọi tranh chấp đều có hướng giải quyết. Với tôi, phương pháp tốt nhất là đối thoại và tìm ra tiếng nói chung giữa các thế hệ”. Hoàng Minh Quân bộc bạch quan điểm.
Những gia đình nhiều thế hệ không có nhiều trong cuộc sống đô thị. Bên cạnh cái xô bồ, hối hả của nhịp sống hiện đại, những gia đình tam đại đồng đường luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho con cháu. Đó cũng là nét đẹp trong truyền thống gia đình của người Việt Nam.
Đinh Liên
(theo afamily)