Điều gì đã xảy ra? Qua nghiên cứu, người ta nhận ra, vợ chồng cũng chẳng có mâu thuẫn gì ghê gớm, có cãi nhau đôi chút nhưng vẫn chưa “gây hậu quả nghiêm trọng”, chưa đến mức muốn ly hôn, nhưng cũng đã không còn hùng hồn tuyên bố “không thể sống thiếu nhau”. Nó có vẻ như là… hết ham muốn nhau như hồi mới yêu nhau. Có thể là vì hình ảnh gia đình cứ như một “video clip” tua đi tua lại mấy cảnh: buổi sáng, cả hai tất bật mạnh ai nấy chạy đi làm, bà vợ còn chở thêm thằng con đi học. Buổi chiều, bà vợ về ghé chợ, đón con, về nhà lo cơm nước… Có khi chồng về lúc nào vợ cũng không để ý nữa, vì còn đang bận cho con ngủ hoặc đang chăm chú xem phim. Chồng thông báo đi công tác xa cả tháng, vợ cảm thấy chẳng có gì khác thường, “ở nhà một mình hoài cũng đâu có sao!”… Dân gian vẫn nói: “Cơm vừa chín tới, như vợ mới cưới về”. Hồi mới lấy nhau, đi làm lúc nào chồng cũng trông cho mau hết giờ, để chạy về nhà nhìn nàng cười, nghe nàng nhõng nhẽo… Đôi khi chàng còn giả vờ về trễ để nàng hờn dỗi cho vui. Vậy mà chỉ sau mấy năm, nàng không còn hờn dỗi, nhõng nhẽo nữa, chỉ còn “liếc con mắt có đuôi”. Rồi một thời gian sau, nàng không thèm “liếc” nữa. Có hôm nàng nằm dài trên ghế xem tivi, thấy chồng đi làm về, chỉ ngước lên: “Tưởng ai!”, rồi tiếp tục dán mắt vào bộ phim Hàn Quốc như… thế giới chỉ mình ta!
Vậy thì làm sao để vợ chồng không rơi vào cảnh “cả thèm chóng chán”? Sau một thời gian chung sống, sự lặp đi lặp lại đến mức quen thuộc của cuộc sống gia đình sẽ tạo cho ta cảm giác “nhàm”, nếu không tìm cách “cải thiện tình hình”, rất có thể dẫn đến trạng thái “ngán ngẩm” nhau, một biểu hiện rõ ràng của cuộc hôn nhân “hết ngày dài, lại đêm thâu…”.
(Theo PNO)