Vào giữa tháng sau một thiên thạch sẽ bay cách địa cầu 6,4 triệu km, khoảng cách đủ gần để nó được xếp vào nhóm “đá trời” có khả năng gây họa.
Hình minh họa một thiên thạch gần địa cầu. Ảnh: howstuffworks.com.
AP cho biết, kính thiên văn Pan-Starrs PS1 của Đại học Hawaii, Mỹ phát hiện thiên thạch. Kính thiên văn được đặt trên đỉnh núi lửa Haleakala thuộc quần đảo Hawaii. Các nhà khoa học của trường đặt tên thiên thạch là 2010 ST3.
Theo Space, 2010 ST3 có chiều rộng 46 m vào có thể vỡ thành nhiều mảnh trong trường hợp nó bay vào bầu khí quyển địa cầu. Nếu điều đó xảy ra, thiên thạch có thể gây nên sóng sốc cực mạnh trong không khí và hủy diệt sự sống trên một khu vực có diện tích vài trăm km2. Sau 88 năm nữa thiên thạch này sẽ lại bay sát hành tinh của chúng ta.
“2010 ST3 có khả năng lao trúng trái đất vào năm 2098 dù xác suất để sự kiện đó xảy ra không lớn. Vì thế việc nó bay ngang qua trái đất vào giữa tháng sau rất đáng được quan tâm”, Robert Jedicke, một nhà thiên văn của Đại học Hawaii, phát biểu.
Kính thiên văn Pan-Starrs PS1 được thiết kế để phát hiện những thiên thạch có khả năng đe dọa địa cầu. Gương chính của nó có đường kính 1,8 m. Kính được trang bị một camera kỹ thuật số cực mạnh với cảm biến ảnh có độ phân giải 1.400 megapixel. Các nhà khoa học hy nó sẽ phát hiện khoảng 100.000 thiên thạch trong ba năm tới. Ngoài ra Pan-Starrs PS1 còn theo dõi 5 tỷ ngôi sao và 500 triệu thiên hà. Nó cũng có khả năng phát hiện các vụ nổ sao.
Các nhà thiên văn của Đại học Hawaii tính toán rằng, cứ sau vài nghìn năm lại có một thiên thạch có chiều rộng nhỏ hơn 1,6 km lao trúng trái đất và gây nên tình trạng hủy diệt trên diện rộng.
Minh Long
(theo vnexpress)