Là sinh viên năm cuối khoa tạo dáng công nghiệp của Viện ĐH Mở Hà Nội, Nguyễn Thu Huyền được học môn “tranh chất liệu”. Rất thích môn học này, Huyền mày mò làm tranh ở nhiều chất liệu, cuối cùng chọn vải vì “tranh vải chưa ai làm và lại rất mềm mại, độc đáo”.
Ban đầu, Huyền cùng hai người bạn làm những bức tranh nhỏ tặng bạn bè. Sản phẩm độc đáo này được đón nhận nhiệt tình càng khiến 3 bạn trẻ quyết tâm. Họ đã phát triển ý tưởng thành đề tài khoa học “Những mảnh vụn không bị lãng quên”, trong đó nói lên việc tận dụng những mảnh vải vụn để làm chất liệu ghép tranh.
Huyền cho hay, để làm bức tranh vải trước hết phải lên được ý tưởng và vẽ ra giấy. Nét vẽ càng đẹp thì tranh càng có hồn. Sau đó phải cắt vải theo hình vẽ. “Cần chọn vải nền, nếu cần thiết còn phải tước vải thành sợi để ghép. Tranh của mình chỉ dùng vải và chỉ có vải làm đường nét khuôn mặt, không có một nét bút nào trong đó”, Huyền bộc bạch.
Thời gian đầu, Huyền thường đến các tiệm may để xin vải vụn làm tranh. Sau đó cô chỉ cần đầu tư vài lọ keo, dăm ba tấm bìa và mấy ngày miệt mài là có một món quà xinh xắn tặng các bạn nhân dịp sinh nhật hay lễ Tết.
Cô chủ thương hiệu hoa ghép vải Huyền Chi tươi tắn bên những tác phẩm của mình tại bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Gần một năm trở lại đây, nhận thấy có thể kiếm tiền từ ý tưởng của mình, Huyền bắt đầu chuyển sang kinh doanh. Cô lập một trang web giới thiệu sản phẩm lấy tên là “Tranh ghép vải Huyền Chi”. Huyền cho biết, Chi là tên người bạn cùng ý tưởng phát triển tranh ghép vải với cô, nhưng hiện nay bạn không còn tham gia.
Để làm sản phẩm với quy mô lớn hơn, Huyền không còn tận dụng vải thừa ở tiệm may mà đến chợ vải Ninh Hiệp để mua. Cô cho biết, phải chọn vải với nhiều màu sắc và chất liệu để phù hợp với từng loại tranh, nhưng loại được dùng nhiều nhất là voan vì có nhiều màu sắc và mỏng. Keo dán dùng ghép vải cũng phải dùng loại keo sữa để hình dán được chắc và khi khô không để lại vết bẩn.
Để khách dễ dàng chọn lựa loại tranh phù hợp, cô chủ trẻ chia tranh theo các chủ đề, như tranh dân gian, trừu tượng, thiếu nhi, tranh teen và trang trí. “Nếu là tranh cho trẻ nhỏ thì cần màu sắc tươi sáng, hình ảnh vui nhộn, dễ thương. Tranh cho lứa tuổi đang yêu thì cần mơ mộng, lãng mạn, hạnh phúc. Riêng tranh trừu tượng thì cần phải có óc tưởng tượng phong phú…”, Huyền chia sẻ.
Đối với từng loại tranh, tùy theo kích thước và độ khó mà thời gian hoàn thành và bán khác nhau. Nếu là tranh khổ A4 thì mất khoảng nửa ngày đến một ngày, loại tranh A2, A3 mất vài ngày. Cầu kỳ như tranh về các mỹ nhân Trung Quốc có khi Huyền phải miệt mài làm đến cả tuần.
Về giá bán, Huyền cho hay bức tranh đơn giản cho trẻ nhỏ dao động 200.000-400.000 đồng, tranh tốn nhiều thời gian và công sức như “Tứ đại mỹ nhân” lên tới cả triệu đồng.
Huyền tỉ mẩn ngồi ghép những mảnh vải thành tranh. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Dịp Trung thu vừa qua, Huyền được Bảo tàng Dân tộc học dành cho một gian hàng giới thiệu sản phẩm. Xen giữa các gian hàng tranh cắt, mặt nạ của Trung Quốc, gian hàng tranh ghép vải Huyền Chi luôn nườm nượp khách vào xem và đề nghị làm thử.
Khánh Linh, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét: “Nhìn từ xa, tranh vải giống như những bức tranh sơn dầu với màu sắc tươi tắn, nhưng lại gần sẽ phát hiện những đường nét trong tranh đều được tỷ mẩn ghép từ những sợi vải. Mình rất ấn tượng với loại tranh độc đáo này”.
Dù bận bịu với việc học năm cuối nhưng Thu Huyền vẫn dành thời gian cho đam mê của mình. Cô cho biết sẽ theo đuổi loại tranh ghép vải này và khi ra trường, có điều kiện sẽ mở một cửa hàng để tiện quảng bá sản phẩm hơn nữa.
Hoàng Thùy
(theo vnexpress)