Nhà có thêm em dâu mới
Em trai chồng mới lấy vợ khiến chị Liên rất băn khoăn. Trước khi lấy vợ, em chồng chị chỉ đóng góp 500.000đ/tháng, gọi là thêm với anh chị để chi tiêu trong nhà. Thực ra khoản này là bố mẹ chồng chị bảo chú em đóng góp thêm vào với gia đình. Dù sao chú ấy cũng lớn và đi làm ra tiền, đóng góp cho có trách nhiệm. Thì thôi, anh em trong nhà bóp mồm bóp miệng, cũng chẳng có vấn đề gì.
Từ ngày chú ý lấy vợ, chị chẳng biết nên nói thế nào. Thêm một người, gọi là thêm bát thêm đũa, nhưng cũng cần nhiều thứ phải chi. Sống trong nhà có 3 cặp vợ chồng, cũng có nhiều cái bất tiện, chẳng nhẽ lại bắt cô chú ấy ra ngoài thuê trong khi ở nhà cũng còn phòng.
Điều chị lăn tăn là sinh hoạt phí thế nào cho đủ. Chẳng nhẽ hai vợ chồng đóng 1 triệu thì không đủ, ít quá. Nếu sinh hoạt phí chia đôi cũng không ổn. Chồng chị là anh cả, phải lo cho hai bố mẹ chứ. Nhà chị lại có con nhỏ, không thể bắt cô chú ấy gánh thêm.
Chẳng biết mức đóng góp thế nào cho hợp tình, hợp lý?
Ở nhờ nhà vợ, coi như tiền thuê nhà
Hai vợ chồng anh Hòa cưới nhau xong vẫn chưa mua được nhà, đành ở nhờ nhà em vợ. Em vợ thì chưa lấy vợ, nhưng đã được bố mẹ vợ cho hẳn căn nhà 4 tầng ở đường Lạc Long Quân – Hà Nội.
Mang tiếng là ở nhà, nhưng vợ chồng anh phải lo hết mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Tiền điện, tiền nước, ga… rồi lo sửa cái cửa, mua sắm thêm đồ trong gia đình. Bố mẹ vợ thì ở quê, chẳng để ý đến chuyện ngoài này.
Chẳng biết vợ anh thế nào, chứ nhiều lúc anh cũng thấy bực, vì không đâu anh phải lo cho cái nhà này như nhà của anh. Bạn bè tặc lưỡi bảo: “Coi như tiền thuê nhà”. Thì cũng đúng thế. Nhưng mà bằng ấy số tiền bỏ ra, thà anh đi ra ngoài ở còn đỡ bị mang tiếng đi ở nhờ.
Tiền bạc phân minh
Thực tế, khoản đóng góp chung giữa các cặp vợ chồng sống chung trong một mái nhà hiện nay đang là vấn đề đau đầu của rất nhiều người. Gia đình chị Lan ở Hoàng Hoa Thám ở Hà Nội cũng ở trong “tình cảnh” như thế nhưng rất thuận hòa.
Bố mẹ chồng chị quán triệt: “Nhà có 2 chị em dâu, mới đầu là người dưng nước lã. Nhưng mà bây giờ thì cùng về làm dâu nhà này, nên phải đoàn kết, yêu thương nhau. Anh em ruột còn có lúc nọ lúc kia, chị em dâu thì tất nhiên cũng không tránh được, nhưng luôn phải lấy nhẫn nhịn, yêu thương làm đầu”.
Ở nhà chị Lan, chị dâu sẽ đứng đầu thu chi trong gia đình. Hai vợ chồng chị sẽ đóng góp tiền chi tiêu. Đầu tháng cứ đưa cho anh chị 2 triệu, ăn bữa cơm tối ở nhà. Cuối tháng, anh chị cân đối, thiếu thừa thế nào thì đóng góp thêm.
Mẹ chồng chị cũng bảo: “Đã đóng góp rồi thì từ cái chi tiêu nhỏ nhất chị dâu cũng phải chi ra. Nếu vợ chồng em mua gì thì về báo chị để chị thanh toán. Còn ngoài ra mua thêm gì mà mình thích thì thôi”.
Cứ học cách đóng góp chi tiêu trong gia đình chị Lan, chắc chắn, chuyện gia đình sẽ trên thuận dưới hòa. Tiền bạc cần phân minh, nhưng cũng không cần minh bạch quá, làm mất đi tình cảm yêu thương của các anh chị em dâu rể trong một gia đình.
Thu Hằng (Tổng hợp)
(theo afamily)