Dù chồng có là con trai độc nhất, thì cũng còn anh, chị, em con chú con bác chung huyết thống của chồng, trong đó có các “bà cô”. Câu tục ngữ: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” xuất hiện ở nước ta đã từ lâu lắm, mang ngụ ý là lời cảnh báo, nhắc khéo các nàng dâu mới khi về làm vợ, sống ở gia đình nhà chồng.
“Giặc bên Ngô” là tên gọi thứ quân xâm lược cùng giặc giã quấy nhiễu, đánh, cướp nơi biên giới, quê hương, gây ra hoạn nạn, chiến tranh. “Bà cô bên chồng” là những người phụ nữ là chị, em gái ruột của chồng, được coi là “bà cô”. Hai chữ “bà cô” còn chứa một nội dung ví von khác nữa: Ấy là những cô gái quá lứa nhỡ thì chưa lấy được chồng hoặc người phụ nữ quá chậm hoặc sống độc thân không lấy chồng.
“Sự tích bà cô” lưu truyền cho đến ngày nay, hiện còn đọng lại, gọi là “bà cô” ở hai đối tượng: Một, là những người phụ nữ không chồng. Hai, là các cô em gái của người anh trai đã có vợ, là “bà cô” của người chị dâu – còn ví như “giặc bên Ngô” và còn là “bà cô đanh đá cá cầy” khiến cho không ít chị dâu – nàng dâu mới về nhà chồng giật mình thon thót.
Sự thể là như thế nào? Bà cô có thật đáng hãi hùng như thế không? Thường tình, các nàng dâu mới về nhà chồng, mới chỉ có chồng là người gần gũi nhất mà thôi, còn tất cả các thành viên kể từ cha, mẹ chồng, đều là những người “mới” cùng chung sống với ý nghĩa “dâu là con”. Việc nàng dâu có mặt ở nhà chồng làm con dâu, chị dâu, em dâu đã tự nhiên làm xáo động trong tình cảm của từng người với các trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau được thể hiện qua cách ứng xử từ hai phía: Nàng dâu – nhà chồng.
Cũng đã từ lâu, nàng dâu nào cũng thế, đều có mẹ chồng, “bà cô” bên chồng mà không khỏi lo âu. Riêng các “bà cô” là em của chồng, đón và sống chung với chị dâu cũng mang tâm tư riêng cùng sự xáo động tình cảm trong mối quan hệ, tình cảm anh em kể từ lúc anh trai có vợ. Có gì thay đổi, có gì phải suy nghĩ hay không?
- Có đấy. Trước ngày anh lấy vợ, tình nghĩa anh em một nhà quấn quýt bên nhau “anh em như thể chân tay…”, anh thương, em nhường chia sẻ từng miếng ăn, ngụm nước, anh che chở, em săn sóc nghe lời, sớm hôm ríu rít… Bây giờ anh có vợ rồi, liệu anh có còn nhớ đến các em gái của anh không? Hay là…? Liệu người chị dâu ấy có là một cản trở, sẻ chia tình anh em ruột thịt?
Trước đây, em có lỗi, anh mắng em, thì em nhận lỗi, không dám trách anh. Bây giờ, có chị dâu rồi, em có lỗi, anh mắng em, thì em thấy buồn tủi, xấu hổ với chị dâu, em vẫn không trách anh, mà… em cho là… anh có chị rồi, anh không cần em nữa… rồi bần thần, em trách lây sang chị dâu: Tại chị đấy! (ngây thơ, em còn muốn bắt đền chị nữa cơ!)
Trước đây, đi học hay đi đâu về, thấy vắng em, anh gọi, anh hỏi. Bây giờ… anh như là đã quên em rồi. Chẳng biết có phải tại chị không? Những chuyện nho nhỏ ấy, với em là sự mất mát, tủi buồn trong tình cảm anh em. Tự nhiên em trách chị dâu, có lúc như là… ghét chị…
Tự nhiên được làm chị dâu, có em gái chồng, người chị dâu có biết, có hiểu nỗi niềm ấy của cô em gái chồng không? Người vợ có cảm thông nỗi niềm chồng mình bên em gái không? Chuyện tình cảm rất khó nói nên lời và dễ suy diễn theo cảm tính. Nếu như người vợ đón trước được tình huống, trạng thái tình cảm anh em của chồng mà sớm nhắc chồng: “Yêu em thì yêu, nhưng đừng quên em gái, kẻo cô ấy buồn…”.
Trong mối quan hệ tình cảm gia đình, rất không nên để xảy ra hiện tượng tranh giành tình cảm để dẫn đến ganh ghét, đố kị, dù cho người ấy là ai. Cô em gái chồng có là, có trở thành “bà cô” của người chị dâu hay không, là do cách ứng xử, tình anh em, chị em của người anh trai và người chị dâu đối với cô em gái chồng, kể cả sự vô ý, vô tình, câu nói nhỡ miệng. Tình người là vô giá. Lòng nhân hậu là thuốc lành để chữa những vết thương tình cảm. Có hiếu với cha, mẹ chồng, yêu thương, quý trọng các anh, chị, em của chồng, là phẩm giá – giá trị của người con dâu.
Ở nước ta từ xa xưa, trong họ tộc, các gia đình rất coi trọng người con dâu cả và nết đoan trang, đảm đang của người con dâu nói chung. Chị dâu cả và người chị dâu giàu lòng nhân ái thường được nhà chồng, các em chồng tin cậy, trông cậy. Chị dâu cả đảm đang, phúc hậu sẽ được cha, mẹ chồng trao quyền quán xuyến gia đình, cùng với chồng giữ lấy nền nếp gia phong, cơ ngơi của gia đình.
(Theo TGPN)