Cái tình quý mến đồng hương của những người già xa quê sau nhiều năm bôn ba lận đận, đến tuổi xế chiều vẫn cảm thấy mình mắc nợ với quê hương khiến hai ông bà tự dưng coi “thằng bé” như người thân. Gọi mấy lần, nó mới tới nhà chơi. Khi đến còn ngượng ngập mãi mới dám chìa ra chai nước mắm: “Má con làm, ngon lắm. Con vào đây má cho hai chai. Hai bác dùng thử. Má con nói cách làm này đúng như truyền thống ngày xưa đấy”. Hai ông bà cảm động muốn rơi nước mắt. Chai nước mắm quê hương bỗng quý như vàng, cất cẩn thận trong chạn đồ ăn, chỉ lấy ra ăn những khi nhà có món ngon.
Cái thoáng ấy được vun đắp tiếp sức nên chẳng mấy chốc thành hiện thực. “Thằng bé” giờ đã là người trong nhà. Mọi người không nói nó “đến” nữa, mà là “về”. Nó gần như rời khỏi ký túc xá chen chúc, nóng bức, đến ở trong căn phòng nhỏ trong nhà ông bà. Cơm nó cũng tự nhiên ăn, nước tự nhiên uống. Thi thoảng chở mẹ cô đi công việc này kia, như một người con rể. Còn chuyện hai đứa, tất nhiên là đã thành chuyện… tất nhiên. Thậm chí, thương nó đến mức có hôm, ba mẹ cô thấy nó nhanh nhẹn luồn từ phòng con gái về phòng mình, họ cũng làm lơ. Họ đã coi “thằng bé” như là con rể.
Không cần lý do, lý trấu gì, nó tàn nhẫn nói: “Anh đã yêu người khác”, rồi lặng lẽ thu gom quần áo đồ đạc và biến khỏi căn nhà đã cưu mang nó suốt nhiều năm học đại học. Cái “người khác” đó là một cô gái có bố đang là giám đốc một công ty lớn. Đám cưới “thằng bé” ấy sang trọng, rạng ngời trong một nhà hàng lớn nhất thành phố. “Thằng bé” được bố vợ tìm cho một chỗ làm việc rất ngon lành. Cô vợ của hắn tuy không khôn lanh mấy, nhưng cũng hiền lành, ngoan ngoãn, nghe lời bố và chồng.
Những ngày ấy, cô gái và gia đình choáng váng, sững sờ, đau đớn. Bố mẹ cô thấy như chính mình có lỗi với con gái, mình làm hại con mình. Nhìn con vật vã héo úa mà ông bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Nghĩ đến khoản tiền ít ỏi gom góp của một đời làm việc, giao hết vào tay thằng con rể hụt, bà mặc kệ lời ông gầm: “Không cần nữa”, len lén tìm đến cơ quan nó làm, gặp nó khẩn khoản: “Thôi thì… cậu cho chúng tôi xin lại tiền…”. Nó trâng tráo: “Tiền nào? Cháu có nợ gì của hai bác đâu. Con gái hai bác với cháu không có duyên, hai bác đừng làm to chuyện, nhục cho cô ấy nếu cháu nói ra”. Bà tức uất người, về nhà đổ bệnh rồi mất trong năm ấy.
Năm tháng trôi qua, cô gái rồi cũng lấy chồng, một người đàn ông hiền lành, học vấn không mấy cao, chức vụ vị trí xã hội cũng không, chỉ được cái yêu cô tha thiết, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện quá khứ của cô. Cô chấp nhận những thua sút của anh như sự đền bù những thiệt thòi anh phải gánh chịu. Họ sinh con và sống bình yên bên nhau. Người chồng hiểu tâm tình của vợ mình nên càng yêu thương, càng chu đáo, càng phấn đấu kiếm tiền lo cho gia đình. Bố vợ cũng yêu thương và biết ơn con rể. Họ sống trong âm thầm, chia sẻ một nỗi đau quá khứ và cố gắng chôn vùi nó sâu hơn bằng những ân cần và cảm thông với nhau.
Đùng một cái, báo chí đồng loạt đăng tải thông tin vụ hắn bị bắt giam. Ảnh hắn tràn ngập các mặt báo, bụng bự, mặt bắt đầu phì phị, tay còng, đầu cúi. Đã lâu, rất lâu rồi, cô mới nhìn thấy khuôn mặt đó. Nhưng cô không dám nhìn kỹ. Chỉ thấy thấp thoáng trong một bức ảnh có người đàn bà ôm con chạy theo hắn khóc, dáng đau khổ, tuyệt vọng. Cô gái rùng mình. Có cái gì đó lạnh buốt chạy suốt sống lưng cô.
(Theo PNO)