Đường Thái Tông, một trong những nhân vật nổi tiếng và được kính trọng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Một: Khởi binh dẹp loạn, bình định Thiên hạ
Thời thiếu niên Lý Thế Dân mỗi ngày đều học văn và luyện võ. Năm 18 tuổi, Lý Thế Dân tại Thái Nguyên theo cha là Lý Uyên khởi binh, phát hịch văn bố cáo thiên hạ trách Tùy Dương Đế nghe lời sàm tấu, sát hại trung lương. Lý Thế Dân trị quân nghiêm minh, bắt được Công hạ Tây Hà cùng với tên quan tham là Quận thừa Cao Đức Nho, Lý Thế Dân nổi giận nói: “Chúng ta dấy binh, chính là để cứu dân trong nước sôi lửa bỏng, tiêu diệt bọn nịnh thần các ngươi!”. Sau đó đem bọn chúng ra chém đầu, cuộc chiến Tây Hà kết thúc tốt đẹp.
Sau đó, lúc tại Nam Hạ tấn công Hoắc Ấp, bởi vì lương thực đã hết, sau lưng lại nghe tin quân Đột Quyết thừa cơ tập kích Thái Nguyên, Lý Uyên quyết định quay về Thái Nguyên tính kế lâu dài. Lý Thế Dân phân tích tình thế, cho rằng quân thủ thành Hoắc Ấp tuyệt nhiên không đáng sợ, nên tấn công diệt trước, sau đó tiến thẳng về Hàm Dương mà hiệu lệnh Thiên hạ, mới có thể tranh thủ chiến lược chiếm được ưu thế chủ động, nhưng Lý Uyên không nghe.
Thấy quân đội đã bắt đầu quay về, Lý Thế Dân vội vàng ở trước trướng khóc lớn. Lý Uyên trong trướng nghe được bèn đến hỏi, Lý Thế Dân khóc khuyên cha: “Bây giờ chúng ta khởi binh chính nghĩa, tiến đánh chắc chắn sẽ thắng. Nếu lui về phía sau sẽ bị tiêu tán, kẻ địch thừa cơ công kích sau lưng, chắc chắn không thể tránh được việc binh bại nhân vong, cho nên đau buồn mà khóc”. Lý Uyên tỉnh ngộ, hạ lệnh truy hồi số quân đã cho quay về.
Không lâu sau lương thực được vận chuyển tới, cha con Lý Uyên dẫn quân tấn công Hoắc Ấp, chỉ một trận là thành công. Sau đó tiến thẳng về Trường An, tướng giữ thành mở cửa thành đầu hàng. Năm 618 sau công nguyên, Lý Uyên xưng đế tại Trường An, đổi quốc hiệu thành Đường, Lý Thế Dân được phong làm Tần Vương.
Vào lúc triều đại nhà Đường được kiến lập, cũng là lúc các phe phái quân sự chiếm giữ các vùng đang hỗn chiến đến cao trào. Lý Thế Dân 20 tuổi dũng cảm khởi binh đi bình định thế lực các phương, gánh trên vai trọng trách thống nhất toàn quốc.
Ông mỗi lần tác chiến luôn xung phong dẫn đầu binh sỹ, lúc nghỉ ngơi thì tướng sỹ cùng ăn cùng ngủ, đồng cam cộng khổ. Có một lần, ông mang 500 kỵ binh đi xem xét địa hình tiền phương, kết quả bị kỵ binh của quân địch bao vây. Tướng địch là Đan Hùng Tín cầm thương tấn công Lý Thế Dân, tướng Trì Kính Đức cưỡi ngựa tiếp chiến, đánh Đan Hùng Tín ngã ngựa, yểm hộ Lý Thế Dân đột phá vòng vây.
Một lần trong khi truy kích quân địch, Lý Thế Dân từng 2 ngày không ăn uống gì, giáp trụ cũng 3 ngày không cởi. Tướng sỹ đều rất mệt nhọc đói khát, nhưng lúc ấy chỉ có một con dê, Lý Thế Dân với tướng sỹ cùng ăn, cho nên tướng sỹ đều cảm động ân nghĩa ấy không thôi, mọi người tranh nhau dẫn đầu truy kích.
Quân của ông có nhuệ khí rất cao, đánh luôn luôn thắng. Trước sau Lý Thế Dân đã chỉ mất có 10 năm để hoàn thành đại nghiệp thống nhất nước nhà.
Lý Thế Dân còn thành lập ra một Văn học quán tại phía Tây cung Tần Vương, chiêu mời học giả bốn phương. Nổi tiếng nhất có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối cùng với 18 vị học sỹ khác. Ông lại chia các vị học sỹ làm 3 đợt, luân phiên nhau tự quản lý, còn bản thân lúc có thời gian liền đến Văn học quán, cùng các vị học sỹ thảo luận các câu chuyện lịch sử cho đến tận đêm khuya. Văn học quán trong xã hội danh tiếng rất lớn, nếu ai được là học sỹ, thì người ta liền nói là người ấy “đăng Doanh Châu” (Doanh Châu là một ngọn núi trên thiên đình, chiểu theo truyền thuyết Trung Hoa).
Hai: Đại lượng nghe lời khuyên can, chỉ thu nhận hiền tài
Công nguyên năm 627, Lý Uyên tự xưng Thái Thượng Hoàng, Lý Thế Dân kế vị, sử sách gọi là Đường Thái Tông.
Đường Thái Tông lấy thái độ khoan dung đối đãi với những người theo phái của Thái tử trước kia, cho nên rất nhiều người ở phía đối lập có thể có được cơ hội chuyển sang, trở thành những tài năng hữu dụng trong việc quản lý quốc gia. Ngụy Chinh chính là một người hết sức nổi tiếng trong số đó. Ngụy Chinh đề xuất với Đường Thái Tông 200 ý kiến, đều được chấp thuận. Ngụy Chinh chết, Đường Thái Tông hết sức đau buồn, nói: “Bởi có chiếc gương đồng, có thể chỉnh đốn được tác phong; lấy cổ làm gương, có thể biết được thịnh suy thế gian; lấy người làm gương, có thể biết được điều đúng điều sai. Ngụy Chinh chết rồi, ta đã mất đi một tấm gương”.
Đường Thái Tông túc trí đa mưu, nhưng trong việc trị quốc không phải là người cơ hội, hoặc đùa giỡn. Ông thành tâm lắng nghe ý kiến phê bình của các đại thần, nói rằng: “Trực ngôn cương nghị, khiến Thiên hạ thái bình“. (Trinh quan chính yếu – Luận cầu gián). Có một lần, ông lại muốn quần thần đề xuất ý kiến với mình, bọn người Trưởng Tôn Vô Kỵ bèn nói Hoàng thượng không làm gì sai sót cả. Đường Thái Tông nghe xong rất mất hứng, phê bình bọn họ rằng: “Ta hỏi việc các vị, ta đâu có trách phạt, nhưng các vị lại a dua nịnh nọt với ta. Ta muốn liệt kê những điều hay dở của các vị ngay trước mặt các vị, cho các vị từ bỏ cái bệnh nói lời xu nịnh đi”. Tiếp đó Đường Thái Tông nói hết ra ưu khuyết điểm của mỗi vị đại thần.
Có người lo rằng khuyên can thẳng thắn có thể làm tổn hại đến uy nghiêm của thiên tử, Đường Thái Tông nói: “Người ta không dám nói, oán khí khó tiêu, khó biết được tình cảnh thực sự, đó mới là điều làm ta lo lắng nhất. Nếu ta thất Đức, các vị hãy nhất nhất chỉ ra, ta quyết không trách tội. Không tự biết cái sai của mình thì thật là khổ!”. (Đường Thái Tông ký). Trăm quan được giải trừ lòng nghi sợ, đều trình tấu mọi điều được mất trong chính sự.
Trung lang tướng Thường Hà không giỏi viết văn, cho nên nhờ người khách nghèo sống trong nhà mình là Mã Chu viết hộ, viết ra 20 điều tấu sự để trình lên Hoàng đế. Mã Chu trong tấu chương kể rõ những chỗ yếu kém của quốc gia, Đường Thái Tông không tin những điều trong đó lại do một võ tướng viết ra được, liền gạn hỏi. Thường Hà kể hết đầu đuôi sự việc, Đường Thái Tông nghiêm túc ra lệnh: “Bản tấu này không phải là khanh tự viết, cho nên cần phải ghi rõ tên họ của Mã Chu lên đó, như thế mới hợp lý. Ta chân thành cầu người khuyên can, khanh cũng nên dụng tâm như thế”. Thường Hà mấy lần thúc giục Mã Chu tới diện kiến Hoàng đế, Thái Tông sau khi nói chuyện lập tức lệnh phong Mã Chu làm quan trong triều, sau này trở thành một vị Đại thần hết sức nổi tiếng.
Đường Thái Tông tuyển mộ quan lại tuy là rất rộng cửa, nhưng không bởi vì cầu hiền mà hạ thấp tiêu chuẩn, ông sử dụng người hiền tài đều là dựa vào tài năng và phẩm hạnh của người ấy mà nghiêm khắc cân nhắc lựa chọn.
Ông cũng giỏi dùng người đúng chỗ, hiểu rõ tài riêng của từng người, khiến cho họ đều có thể phát huy được hết sở trường của mình. Trong lịch sử nổi tiếng nhất có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối là những điển hình, những người này không giỏi xử án hoặc xử lý tạp vụ, nhưng lại rất giỏi mưu cơ và quyết định quốc gia đại sự, cho nên dùng bọn họ làm Tể tướng. Còn với Đới Trụ thì ngược lại, ông ta không thông kinh sử, nhưng làm việc chính trực, cho nên để cho ông ta làm Đại Lý tự Thiếu khanh, phụ trách xử án, kết quả ông ta làm việc hết sức tốt đẹp, rất đúng như Đường Thái Tông trông đợi.
Để tuyển quan Thứ sử giỏi, Đường Thái Tông đã bỏ rất nhiều công phu, ông cho viết tất cả tên họ cùng với thông tin cá nhân của các quan Thứ sử trong cả nước lên tấm bình phong trong phòng ngủ của mình, căn cứ vào đủ loại tin tức kịp thời ghi chép lại công quả của mỗi người trong số họ, căn cứ vào đó để khảo hạch và tuyển chọn. Ông còn lợi dụng chế độ khoa cử, cho những người đọc sách có cơ hội tốt để được vào cung. Mỗi lần ông nhìn thấy đông đảo những người đỗ đạt tân khoa, đều cao hứng nói rằng, “Hiền tài trong thiên hạ đều đã đến để phục vụ quốc gia”.
Ba: Làm lợi cho dân, thực hành tiết kiệm và kỷ luật.
Đường Thái Tông đưa ra tư tưởng “Dân là cái gốc của quốc gia”, chế định rất nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế: khuyến khích chế độ quân điền (mỗi người được cho một khoảnh đất như nhau để canh tác), khích lệ khẩn hoang: ban hành mức thuế mới để giảm nhẹ gánh nặng cho dân ;khuyến khích tăng dân số, phát triển sản xuất; phát triển hệ thống thủy lợi, nạo vét sông và kênh mương .
Có người lo rằng lợi dân như thế thì tiền thuế của quốc gia sẽ không đủ, cho nên can gián nói rằng: “Hiện tại quốc gia đúng là lúc cần dùng tiền, nếu chỉ lo an dân, nhiều việc quốc gia đại sự không thể tiến hành được”.
Đường Thái Tông nhân dịp này liền bảo quần thần: “Để dựng nước, trước tiên phải có được lòng dân, để quốc gia giàu mạnh, trước tiên phải làm cho bách tính ăn mặc có dư. Dân oán không trừ, đó là mối nguy lớn của quốc gia, ngoài ra đều không có gì quan trọng”.
Ông còn chủ trì việc chế định ra “Trinh Quán luật”, có chế độ thưởng phạt công minh, tăng cường việc thiết lập nền pháp chế.
Thời thái bình thịnh trị đến rất nhanh chóng, lương thực nhiều năm liên tiếp bội thu, giá cả nhanh chóng hạ xuống. Trăm họ bắt đầu an cư lạc nghiệp, quốc gia giàu có thịnh vượng.
Đường Thái Tông tại phương diện đề xướng việc thực hành tiết kiệm cũng đã làm gương mẫu cho quần thần. Cung điện ông ở cũng là xây dựng từ đầu thời đại nhà Tùy, đều đã cũ nát. Ông ra lệnh cấm quan lại xa xỉ lãng phí. Cho nên, trong các đại thần hình thành được một tác phong tiết kiệm, xuất hiện rất nhiều đại thần thanh liêm cần kiệm. Như Thượng thư bộ hộ Đới Trụ, bởi khi còn sống cuộc sống nổi tiếng giản dị, thậm chí sau khi chết trong nhà không tìm thấy chỗ nào trang trọng để mà thờ cúng. Về phần Ngụy Chinh càng như thế, cả đời không có được một ngôi nhà đúng nghĩa.
Đường Thái Tông còn chú trọng sự tu dưỡng của bản thân. Tài năng thơ văn của ông rất cao, nhưng bởi vì ông khiêm nhường không nặng danh tiếng, nên vẫn cấm người khác biên tập thơ văn của mình thành bộ. Ông nói: “Văn tự của Trẫm , nếu quả thật có ích đối với bách tính, lịch sử sẽ ghi lại, như thế có thể lưu lại trăm đời về sau. Nếu không có gì hay, biên thành tập có tác dụng gì?! Lương Vũ Đế, Trần Hậu Chủ, Tùy Dương Đế đều có tập truyện văn lưu lại cho hậu thế, người nào cũng không có khả năng cứu vãn vận mệnh diệt vong! Làm người sợ nhất là không có Đức chính, văn chương như thế đối với xã tắc thì dùng để làm gì!”.
Sau này người triều đại nhà Thanh biên tập thơ văn của ông đưa vào “Toàn Dương thi” và “Toàn Đường văn”, cùng với 7 quyển Kế văn, 5 bài phú, 1 quyển thơ gồm 69 bài.
Như trong bài thơ “Hoàn thiểm thuật hoài” của ông :
“Khái nhiên phủ trường kiếm, tể thế khởi yêu danh.
Tinh kỳ phân điện cử, nhật vũ túc thiên hành.
Biến dã truân vạn kỵ, lâm nguyên trú ngũ doanh.
Đăng sơn huy vũ tiết, bối thủy túng thần binh.
Tại tích nhung qua động, kim lai vũ trụ bình”
Những người viết sử cảm thụ được tiết tháo cao thượng cùng với hoài bão kiến lập đại nghiệp của ông: “Tâm tùy lãng nhật cao, chí dữ thu sương khiết” (trong “Kinh phá tiết cử chiến địa”).
Bốn: Giúp các Dân tộc thuận hòa, xây dựng thời thịnh trị
Đường Thái Tông (626-649) đã nhận Ludongzan, sứ giả Tây Tạng vào trong triều; bức tranh được vẽ vào năm 641 sau công nguyên bởi Yan Liben
Bởi nỗ lực của Đường Thái Tông, người Hán và các dân tộc thiểu số đều đối xử hòa thuận với nhau. Ông cũng dùng một số quan lại người dân tộc thiểu số. Ông chấp thuận dân tộc thiểu số trong thiên hạ, định cư tại Trường An. Thời ấy tại Trường An dân tộc Đột Quyết có đến cả vạn gia đình. Công nguyên năm 630, thủ lĩnh các cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc cùng thỉnh cầu được gọi Đường Thái Tông là “Thiên khả Hãn”, được Đường Thái Tông đồng ý, từ đó về sau hay dùng chiếc ấn khắc chữ “Thiên khả Hãn” trong các chiếu thư cho các dân tộc vùng Tây Bắc.
Một lần Thái thượng hoàng Lý Uyên cùng với Đường Thái Tông yến tiệc với quần thần, Lý Uyên để cho Hiệt Lợi khả Hãn vũ múa để giúp vui, lại để cho thủ lĩnh dân tộc phương Nam là Phùng Trí ngâm thơ, không khí vô cùng hào hùng sôi nổi. Lý Uyên cao hứng nói: “Hồ Việt một nhà, xưa nay chưa từng có!”.
Sau này, Đường Thái Tông hỏi quần thần: “Như thế nào mới có thể giải quyết từ căn bản vấn đề quan hệ giữa các dân tộc?”. Các câu trả lời của các vị đại thần đều không làm ông thỏa mãn, cuối cùng ông tự tổng kết ra được 5 điều kinh nghiệm, trong đó điều quan trọng nhất là: “Cần phải yêu chuộng người Hán và người các dân tộc khác như nhau”.
Thời đó Đường triều tại các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa mọi phương diện đều là có địa vị đứng đầu thế giới, biên cương rất rộng lớn, cai trị thời Trinh Quan đã vẽ nên một bức tranh hết sức mỹ lệ huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc.
Đường Thái Tông đối nội thực hành chính sách mềm dẻo, cùng dân nghỉ ngơi, hiền tài đều được trọng dụng, đất nước không có án oan. Về đối ngoại lấy Đức thu phục người, văn hay võ tùy dùng từng lúc, khiến Trung Quốc không chỉ trở thành quốc gia hùng mạnh và giàu có thịnh vượng nhất trên thế giới, mà còn là đất nước văn minh bậc nhất, các nước lân cận đều rất ngưỡng mộ. Rất nhiều quốc gia thậm chí còn sử dụng trực tiếp mô hình chính sách của nhà Đường. Xã hội Nhật Bản thời cổ về chính trị và kinh tế tựa hồ như là phiên bản của Đường triều. Rất nhiều sứ thần, lưu học sinh cùng với nghệ nhân, tăng lữ từ Á châu, Phi châu đều đến Đường triều, đến Trường An, khiến Trường An thời bấy giờ trở thành một đô thành có tính quốc tế. Văn hóa thời đại nhà Đường, tôn giáo đều đạt đến thời kỳ cực thịnh. Bởi địa vị của Đường triều trên thế giới vào lúc ấy, các sứ giả và thương nhân Trung Quốc cũng xuất hiện tại khắp các quốc gia Á châu, cho nên người nước ngoài liền gọi chung người Trung Quốc là “Đường gia tử” (”Người nhà Đường”). Ngày nay người phương Tây vẫn gọi người Trung Quốc là “Đường nhân” (”Người Đường”).
Vào những năm chiến tranh Lý Thế Dân luôn tuyển chọn những anh hùng hào kiệt có võ công cao cường nhất vào đội ngũ kỵ binh của mình, thời bình thì tập trung những học giả ưu tú nhất về phủ Tần Vương, nắm giữ thiên hạ, thống lĩnh quần hùng sáng lập nên cẩm tú sơn hà, xã hội phồn vinh, cùng một nền văn hóa sáng lạn. Mọi người tưởng nhớ vĩnh viễn trong ký ức một Thiên triều vĩ đại, vô hạn kính ngưỡng khí chất chính nghĩa, lòng nhân ái, sự khiêm tốn và hoài bão to lớn của Hoàng đế Đường Thái Tông.
(theo minhhue.net)