Loan trầm tư kể: “Từ khi có trí khôn đến giờ, gần như ngày nào mình cũng chứng kiến cảnh bố say xỉn, cứ về đến nhà lại lôi mẹ ra chửi mắng, đánh đập. Còn mẹ thì chỉ biết đau khổ khóc lóc đến gầy rộc cả người. Mới đây bố còn dùng chai rượu ném vào đầu làm mẹ ngất xỉu phải đi cấp cứu. Không biết từ bao giờ mình đã hận ông ấy và cũng tự hứa với lòng sẽ không lấy chồng để khỏi phải khổ như mẹ”.
Cũng mang nỗi sợ hãi chuyện chồng con sau khi chứng kiến cảnh gia đình mình ly tán, Hương cho biết, trước đây mẹ của chị đã nhiều lần uống thuốc ngủ tự tử vì không chịu nổi những lời chì chiết của bố và ông bà nội. Mặc dù cám cảnh ấy đã qua đi 8 năm rồi và hiện nay cha mẹ chị đã ly hôn, nhưng với Hương, cơn ác mộng ấy cứ như mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
“Ông bà nội muốn cho bố lấy cô tiểu thư thành phố, còn mẹ là gái nhà quê nên họ không ưa. Vì bố quyết tâm đòi cưới mẹ nên ông bà cũng cắn răng chiều lòng. Đến khi mẹ về làm dâu, ông bà nội tìm đủ mọi cách hành hạ rồi nói xấu đủ điều, sau đó bố cũng quay sang bênh vực ông bà mà mắng nhiếc mẹ thậm tệ. Rồi bố có vợ bé, mẹ thấy đau khổ quá mới đâm đơn ly dị rồi bỏ đi biệt tăm để lại hai chị em cho ông bà ngoại nuôi”, Hương đau đớn kể.
Hiện nay Hương và em trai sống với ông bà ngoại ở Bến Tre. Cả hai đã có công việc và cuộc sống ổn định, song chưa ai tính đến chuyện lập gia đình cũng vì nỗi đau chưa nguôi ngoai. Kể từ ngày gia đình ly tán, Hương chưa một lần gặp lại cha mẹ, chỉ nghe bà con hàng xóm kể, cha của chị đang sống hạnh phúc cùng người vợ hai, còn mẹ cũng đi bước nữa nhưng không ai biết rõ nơi ở của bà.
Nghiên cứu những trục trặc trong đời sống hôn nhân, các chuyên gia tâm lý nhìn nhận, hầu hết cảnh bạo hành giữa cha mẹ đều để lại “vết hằn” trong tâm trí con cái về sau. Nó phá vỡ những giá trị tinh thần tốt đẹp trong cái nhìn của các em về cuộc đời, về tình yêu thương gia đình khiến các em mặc cảm và không đủ tự tin vào cuộc sống như một đứa trẻ bình thường khác.
Chuyên gia tâm lý Phạm Phúc Thịnh, trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ của các cặp vợ chồng như: bạo hành, không hòa hợp về tình dục, không tìm hiểu kỹ về nhau dẫn đến thất vọng vì phát hiện những tật xấu trong khi về sống chung, sức ép nhiều mặt của cuộc sống… Tuy nhiên tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại 95% gia đình khác vẫn đang sống hạnh phúc. “Đó là điều mà chúng ta cần nhận ra để có cái nhìn lạc quan hơn”, ông Thịnh nói.
Vị chuyên viên này cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang bị ám ảnh bởi nỗi đau gia đình chia ly rằng: “Yêu và lập gia đình, đó là những nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người. Đừng vì những trải nghiệm đau thương đã qua mà quay lưng lại với cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón. Nếu vẫn thấy tâm trạng u uất nặng nề, các bạn hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được họ tư vấn giúp đỡ”.
Ngoài ra ông Thịnh còn nhấn mạnh, từ xưa đến nay cách xử sự phụ nữ trong gia đình có vai trò rất quan trọng, như trong câu câu ca dao “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”. Vì thế phụ nữ nên dùng sự khéo léo, ân cần, nhỏ nhẹ của mình như một thế mạnh tác động đến chồng con để mang lại hạnh phúc cho gia đình.
(Theo Vnexpress)