Hoàng quê Nam Định, vào Sài Gòn làm ăn và gặp Giang, người Đồng Tháp. Đầu tháng 8, Hoàng tới nhà bạn gái định thưa chuyện với người lớn để xin phép cho gia đình tới bàn thủ tục cưới xin. Đang ngồi trò chuyện thân tình, nhâm nhi chén nước chè với nhạc phụ tương lai, Hoàng ù cả tai khi nghe ông thách cưới hai cây vàng.
Khi tâm sự với người yêu nỗi lo này, anh lại bị giội thêm gáo nước lạnh: “Hai anh rể em trước cũng đều như thế, có thấy ai nói gì đâu. Ba em thương anh ở xa, nên đã giản tiện rồi đó, chứ ở đây người ta còn bắt sắm quần áo, đủ bộ trang sức rồi tiền mặt nữa. Sao anh thương em mà căn ke quá vậy”.
Sau chuyến “hỏi vợ” về, ai hỏi tới chuyện cưới xin anh cũng lảng. “Tôi đang nghĩ lại chuyện tình cảm với cô ấy, không phải vì không lo được hai cây vàng, mà vì cảm thấy thất vọng. Có lẽ hai nhà quá khác nhau, hai đứa cũng chưa hiểu và thông cảm cho nhau”, anh nói.
Đôi Quyết – Loan ở Phúc Thọ, Hà Nội, cũng suýt lỡ dở vì chuyện thách cưới. Chuyện thật như đùa về đám cưới của cặp tình nhân này từ năm ngoái vẫn còn lan truyền khắp xã tới tận giờ.
Quyết, 23 tuổi, yêu Loan là người cùng xã và quyết định làm đám cưới khi cô dâu đã có bầu gần 2 tháng. Gia đình Loan vốn có chút “máu mặt” trong làng, ông bố muốn lễ cưới phải thật sang nên bảo chú rể phải có 5 triệu đồng dẫn cưới, dù địa phương trước nay không có lệ này. Thường nhà trai chỉ đi lễ trầu, cau, mâm xôi, thủ lợn và một phong bì khoảng một, hai triệu là xong.
Vốn gia đình không nhiều tiền, lại sẵn tính ngang, nghe bố vợ tương lai nói vậy, anh con rể ậm ừ rồi về thẳng. Ngay sáng sớm hôm sau, Quyết sang nhà người yêu, mang theo túi quần áo, dao, bảo nàng: “Em nói với bố, anh chưa đủ tiền ’nộp’ nên phải đi làm xa một thời gian, chưa cưới được”.
Cô người yêu khóc nấc vì sợ chàng chạy làng trong khi cái thai đang lớn dần trong bụng. Sau đó, khi vỡ lẽ mọi chuyện, nhà gái mới lo lắng, đành bắn tin gọi chú rể về lo đám cưới và bỏ hẳn khoản 5 triệu kia. Anh con rể được nước, dềnh dàng hơn tháng sau mới đưa người nhà sang bàn chuyện.
Theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, trao thư thách cưới là một trong những công đoạn quan trọng của hai họ khi tác thành đôi lứa. Sau các lễ dạm hỏi (vấn danh), chơi nhà, ăn hỏi, sêu (biếu sản vật theo mùa) là tới giai đoạn rất quan trọng: thách cưới. Lúc ấy, nhà trai gửi thư hỏi nhà gái cần những lễ vật gì. Nhà gái sẽ viết thư trả lời các vật phẩm cụ thể.
Trong các đám cưới xưa, nhà gái thường đòi cau, rượu, lợn gà, vòng nhẫn, quần áo, gạo nếp, hương nến… Vào những năm 60, 70 thế kỷ trước, có thể thêm thuốc lá, bánh kẹo. Có nhà đòi rất nặng, nhà trai không lo nổi, đành nhờ bà mối đến lựa lời “xin bớt”, may được thì nên chuyện, còn không thì đám cưới có thể bị hoãn, thậm chí hủy luôn. Cũng có những đám nhà trai phải chạy ngược xuôi, lo xong việc rồi kéo cày trả nợ. Nhiều trường hợp, vì chuyện thách cưới này mà vợ chồng hục hặc, tình thông gia đã bị sứt mẻ ngay từ buổi đầu thành hôn.
Ngày nay, tại nhiều vùng quê, những chuyện tương tự như vậy cũng vẫn tồn tại.
Khi dẫn người thân đến thăm nhà cô dâu (Bắc Giang) bàn chuyện chuẩn bị cưới xin, Thành (Hưng Yên) méo mặt khi nhà trai vừa ướm lời hỏi về các đồ ăn hỏi và tiền cưới, thì đại diện nhà gái lấy ra tờ giấy ghi danh sách những đồ lễ cần có và 10 triệu tiền mặt kèm theo.
Thấy người bác ruột làm đại diện phía nhà mình sầm mặt, định đứng dậy về thẳng, Thành phải ra đỡ lời rồi cố lái chuyện hỏi về phong tục tập quán quê người yêu. Dù được nhà thông gia tương lai giải thích đó là do lệ làng từ xưa đến nay nhưng nhà trai cũng chẳng mặn mà gì rồi lấy cớ xin cáo lui sớm. Về nhà, Thành bị các bác, các chú trong họ phản đối đám cưới, cho rằng nhà gái quá đáng, coi trọng đồng tiền, không hiểu biết. Cuối cùng, anh phải nhờ bố mẹ mình thuyết phục mãi, họ mới chấp thuận và đồng ý đứng ra đại diện hôm ăn hỏi.
“Thật ra, số tiền ấy sau này bố mẹ vợ lại cho hai đứa hết để lấy vốn làm ăn. Chẳng qua do phong tục quê hương đã như vậy, nên các cụ cứ theo cho đúng thôi. Lỗi là tại mình, đã không tìm hiểu trước mọi việc nên khiến người nhà sốc, sinh hiểu lầm”, Thành kể.
Chàng trai mới cưới vợ được 2 tháng này chia sẻ kinh nghiệm: “Các bạn trẻ, nhất là những người ở xa nhau, trước khi nhờ người lớn bàn chuyện, cần tìm hiểu rõ những khác biệt về tập tục cưới xin của hai địa phương để có sự chuẩn bị và bàn bạc với nhau trước, rồi trao đổi với gia đình hai bên để mọi người hiểu, dễ thông cảm và thống nhất mọi việc”.
(Theo Vnexpress)