Nhận đóng góp của chồng cho gia đình là một nghệ thuật, quyết định một phần hạnh phúc, nhưng nhiều chị vẫn quên rằng lương của chồng không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn cho gia đình.
Thẻ anh, thẻ em
Anh Tuấn tâm sự: “Những năm tháng độc thân làm bao nhiêu cũng hết, từ ngày lấy vợ tôi mới thấy dư được ít tiền. Biết vợ lo toan, vun vén cho gia đình nên tôi rất yên tâm khi giao tiền cho vợ. Tôi đưa hết lương cho vợ, thỉnh thoảng “xin lại” tiền cà phê, tiêu vặt. Lúc đầu thấy cũng vui vui, nhưng dần dần thấy bất tiện vì có lúc muốn bù khú bạn bè đột xuất, chẳng lẽ lại phải chờ “duyệt chi” nên tôi bắt đầu cất lại đôi chút dằn túi. Chuyện đang êm thì công ty tôi chuyển sang thanh toán lương qua thẻ ATM. Hôm tôi đi mở thẻ, vợ đi theo, “thỏ thẻ”: “Anh làm cho em cái thẻ phụ, lỡ anh đi vắng em cần tiền đột xuất”. Vậy là hai chiếc “thẻ anh – thẻ em” ra đời. Cứ cuối tháng là vợ tôi “chăm chỉ” rút số chẵn về cất vào tủ, chỉ để số lẻ “rớt lại” khiến tôi loay hoay mãi với các khoản phát sinh của mình. Nhắc khéo, vợ tôi tỉnh bơ: “Lấy hết tiền chứ để đó chẳng may anh làm rớt thẻ, ai nhặt được thì sao”.
Một lần, vừa ký sổ lương xong, ra quán gặp mấy đứa bạn từ Hà Nội vào, tôi hùng hồn tuyên bố, dân Sài Gòn là dân chơi, mọi người cứ thoải mái, hôm nay tôi bao “trọn gói”. Khi đưa thẻ cho cô thu ngân thanh toán thì than ôi, tài khoản đã “giơ cả xương”. Không còn tiền trả bữa nhậu đã trót “tuyên bố hùng hồn”, thẻ có mà như không, tôi chỉ muốn chui xuống đất. Đến hai năm sau tôi vẫn chưa hết cảm giác xấu hổ và “oán vợ” vì chuyện đó”.
Chị Nguyệt gọi đến chuyên viên tư vấn tâm lý khóc nức nở: “Tôi phải làm gì khi chồng tôi mang tiền cho “bồ”. Tôi tìm thấy một ủy nhiệm chi của chồng gửi 30 triệu cho một người phụ nữ, trong đó còn ghi rõ nội dung “gửi tiền mua xe máy”. Người đó là cô học trò đang làm luận văn thạc sĩ do chồng tôi hướng dẫn”. Chồng chị là một người chăm chỉ và tiết kiệm. Xuất thân là nông dân nên anh rất giản dị và chịu khó. Tiền dạy thêm, tiền lương và các khoản khác anh thường đưa về cho vợ. Khi đó chị luôn thấy thương chồng.
Từ lúc ăn nên làm ra, kiếm tiền từng “cục” một cách dễ dàng, chị bắt đầu thấy những đồng lương của anh sao quá ít ỏi. Chị tuyên bố: “Tiền anh, anh cứ giữ, mọi chi tiêu trong gia đình để em lo. Anh mở tài khoản riêng đi, muốn tiêu gì thì tùy”. Từ đó trở đi, chị không quan tâm đến thu nhập của anh nữa. Lúc đầu anh thấy hụt hẫng, sau lại có cảm giác mình ăn bám vợ, thấy mình như thừa thãi trong nhà mình. Dù gia đình không cần anh đóng góp nhưng anh thấy áy náy vì “không giúp được gì cho ai”. Chuyện anh gửi tiền cho cô học trò mua xe tay ga là có thật, nhưng quan hệ của hai người thực hư thế nào thì chưa rõ. Chị bắt đầu hiểu, chính chị đã vô tình để người khác cần chồng mình, để anh phải chuyển hướng quan tâm sang người khác.
Vợ chồng chị Hà đều làm cho công ty nước ngoài nên lương cũng khá. Cả hai có thói quen “có đồng nào, xào đồng nấy” nên chẳng mấy khi quan tâm đến tiền bạc. Nhận lương về, cả hai cùng “ném” vào két, mạnh ai người ấy tiêu. Hỏi chồng chị thu nhập một tháng bao nhiêu, chị tỉnh bơ “biết chết liền”. Chị xem tiền bạc là “chuyện nhỏ như con thỏ” nên chẳng bao giờ để ý xem chồng mình đã cố gắng đến đâu, có chí tiến thủ hay không. Việc anh lên chức trưởng phòng không có gì là quan trọng với chị. Chỉ đến khi chồng phải vào bệnh viện cấp cứu, chị “thò tay vào két” mới giật mình là chẳng có đồng nào tích lũy. Chị hốt hoảng khi biết lâu nay chồng chị chẳng làm thêm, cũng chẳng lo tiền ăn tiền để.
Để chồng tự giác càng tự giác hơn
Bất cứ ở giai đoạn hôn nhân nào, tình trạng kinh tế ra sao, thu nhập của người chồng đều rất quan trọng. Những đồng tiền mang về không chỉ là tiền mà còn thể hiện sự gắn kết gia đình, sự tôn trọng giữa vợ chồng, con cái. Nó củng cố niềm tin của vợ và sự tự tin của chồng. Thu nhập không đơn giản là những con số mà là thước đo tinh thần trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình.
Cứ bị vợ “vét” hết tiền, luôn có cảm giác mình bị “bóc lột”, từ chỗ một người chồng có trách nhiệm, anh Tuấn trở nên miễn cưỡng khi đưa lương cho vợ. Nhiều ông chồng khác cũng rơi vào cảnh tương tự và “tức nước vỡ bờ”, bất đắc dĩ phải lập quỹ riêng. Các ông chồng thường kháo nhau “đưa tiền cho vợ thì dễ, lấy tiền từ vợ rất khó”. Khó ở đây là khó chịu khi mình phải xin xỏ, giải trình, thậm chí nịnh nọt. Có những khoản tiền chi tiêu kê khai được, nhưng có những khoản phát sinh khó lường trước. Vì thế, người vợ phải biết làm cho chồng có cảm giác dễ chịu khi nhận thấy tiền đưa cho vợ vẫn còn là tiền của mình, không mất đi mà thậm chí còn “đẻ” ra thêm.
Vì nghĩ mình làm ra nhiều tiền một cách dễ dàng, chị Nguyệt đã có thái độ “được mùa sớm phụ ngô khoai” khiến chồng chị sinh mặc cảm, nghĩ mình không còn chỗ đứng trong gia đình. Bị từ chối sự đóng góp cho gia đình, chồng thấy mình thành người vô dụng. Để thỏa mãn nhu cầu khẳng định mình, tất nhiên anh sẽ tìm đến những người cần mình, biết ghi nhận công lao của mình. Tiền không mất đi, chúng chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác. Chồng chị thấy “thừa tiền” và quyết định đầu tư vào những kênh không mấy hiệu quả và khó thu hồi vốn. Thấy chồng đưa tiền cho người khác, chị mới ghen tức và bắt đầu kể công. “Cái gì cũng vợ, việc gì cũng đến tay”, rồi than vãn “giá mà anh biết sử dụng tiền, biết tiết kiệm, biết giữ tiền để vợ con anh được nhờ”. Chị Nguyệt đã quên, lỗi bắt đầu từ chị.
Anh S. – chồng chị Hà cũng thờ ơ với công việc và thu nhập vì đã không được vợ ghi nhận sự phấn đấu của mình. Đôi lúc anh lại thấy “tiền bạc là phù du”. Những người phụ nữ khi không làm chủ được tài chính thường không thấy hết giá trị của đồng tiền. Chồng không được khuyến khích, khen ngợi khi mang tiền về sẽ cảm thấy không được ghi nhận công lao, sẽ dần trở nên “được chăng hay chớ”. Hệ quả kéo theo là người vợ bắt đầu thất vọng với cái kiểu “tà tà” của chồng.
Bản năng của người đàn ông bao đời nay là tha mồi về tổ. Vì thế, dù ít hay nhiều, người vợ cũng phải biết nâng niu, trân trọng tinh thần “góp gió thành bão” của chồng. Nếu chỉ đơn giản nghĩ, thu nhập của chồng chỉ là “góp gạo thổi cơm chung” thì bạn sẽ bỏ qua một cơ hội xây dựng một gia đình hạnh phúc. Không cho người đàn ông cơ hội chung tay góp sức cho tổ ấm, vô tình bạn đã đánh mất cơ hội “gia cố nền móng” cho ngôi nhà của mình. Nhưng “xiết” quá chặt thì hại nhiều hơn lợi, vì chắc chắn là dù có “xiết” mấy bạn cũng không thể nắm hết được và càng xiết càng… hao hụt. Nếu bạn có một thái độ vừa phải, đúng mực, chồng bạn sẽ sẵn sàng tự nguyện đóng góp công và sức cho gia đình. Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười cũng đủ để chồng hiểu được vai trò của anh ấy quan trọng đến mức nào với bạn. Đừng vô tình để chồng hụt hẫng khi đưa tiền về cho vợ. Lương tâm và lương tháng, lương nào cũng quý.
Minh Huệ
(Chuyên viên tư vấn tâm lý)
(Theo PNO)