Các nhà thiên văn vừa tìm thấy hố đen có tuổi đời thấp nhất mà con người từng biết trong một thiên hà cách trái đất 50 triệu năm ánh sáng.
Hình ảnh mô phỏng vụ nổ của sao SN 1979C trong thiên hà M100 vào năm 1979. Ảnh: NASA.
Hố đen có thể nuốt chửng mọi loại vật chất xung quanh với khối lượng không giới hạn nên người ta ví chúng với những con quỷ đói. Con người và các thiết bị của chúng ta không thể thấy hố đen. Vật chất luôn phát ra bức xạ mạnh mỗi khi bị hố đen hút. Giới khoa học tìm kiếm những bức xạ ấy để xác định vị trí của hố đen.
Giới khoa học cho rằng hố đen nói trên là tàn dư của SN 1979C – một ngôi sao siêu lớn từng nổ tung – trong thiên hà M100, theo AFP. Thiên hà này cách địa cầu 50 triệu năm ánh sáng và được phát hiện bởi một nhà thiên văn nghiệp dư vào năm 1979.
SN 1979C là một sao siêu lớn với kích thước gấp 20 lần mặt trời. Sau khi nó chết cách đây hơn 30 năm, nhiều nhà thiên văn dự đoán một hố đen sẽ ra đời, bởi họ nhận thấy tàn dư của vụ nổ mất dần bởi một thứ gì đó. Đây là dấu hiệu tồn tại của hố đen, vùng không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức mọi loại vật chất, kể cả ánh sáng, không thể thoát ra.
Vụ nổ sao siêu lớn có thể tạo ra hố đen hoặc sao neutron. Nhiều hố đen xa xôi được phát hiện nhờ bức xạ gamma mà chúng phát ra. Nhưng SN 1979C là một trường hợp ngoại lệ, bởi nó khá gần trái đất và không phát ra tia X, chứ không phải tia gamma.
Tàn dư của vụ nổ sao SN 1979C. Ảnh: NASA.
Các phi thuyền và đài thiên văn của Mỹ, châu Âu bắt được bức xạ tia X mà vật chất trong khoảng thời gian từ năm 1995 tới 2007. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định nó sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn giai đoạn đầu trong quá trình hình thành hố đen, vụ nổ sao siêu lớn, số lượng hố đen có thể tồn tại trong dải Ngân hà.
Avi Loeb, một nhà vật lý thiên văn của Đại học Harvard tại Mỹ, nói với AP rằng trong 31 năm qua hố đen nói trên đã nuốt chửng một lượng vật chất tương đương trái đất. Ở quy mô vũ trụ thì lượng vật chất đó quá nhỏ bé, song đối với địa cầu thì nó rất lớn.
“Đây là lần đầu tiên con người chứng kiến một hố đen hình thành từ vụ nổ sao. Chúng tôi sẽ có cơ hội tìm hiểu về các môi trường xung quanh hố đen, thứ mà các nhà khoa học không thể tạo ra trong phòng thí nghiệm”, Loeb nói.
(theo vnexpress)