“May quá, lấy nó về đỡ được khoản tươm xin việc” – mẹ anh vẫn nói vậy với bà con lối xóm.
Ngày chưa có con, hàng tuần chị đều cùng chồng về thăm ông bà và bố mẹ chồng. Nhiều lần anh còn quát chị “về làm gì nhiều, mấy chục cây số chứ ít à?”. Nhưng anh không hiểu, chị nghĩ anh là con út, được bố mẹ yêu chiều nhất nhà, mới lấy vợ mà không thường xuyên về thăm bố mẹ, chị sợ mẹ anh “ghen” với chị. Các bà mẹ chồng vẫn hay “ghen” như vậy với con dâu.
Thời gian này anh bận làm thêm, cả tháng vợ chồng chị không về quê được. Mẹ chồng gọi điện cho chị: “Thằng Quang từ ngày có vợ là quên mẹ rồi, nó không gọi điện cũng không gì cả”. Hoá ra bà đang trách chị, chị đã gọi báo tháng này vợ chồng chị không về được vì anh bận, một mình chị không thể đi xe máy gần trăm cây số về hôm trước hôm sau lại lên ngay. Chị hiểu đó là nỗi nhớ của người mẹ dành cho con trai và chị nghĩ bằng mọi giá cuối tuần sau vợ chồng chị sẽ về quê một chuyến.
Hôm nọ, vừa về đến nhà, mẹ chồng ra mở cửa đã nguýt dài một cái: “Gớm, mẹ tưởng con quên mẹ, quên cái nhà này rồi”. Chị thấy chạnh lòng buồn tủi, nhưng rồi lại thông cảm cho mẹ chồng.
Sau chuyến về quê đó chị phát hiện mình chậm kinh 10 ngày, đi khám bác sĩ thì niềm vui vỡ oà, một sinh linh bé nhỏ đang lớn từng ngày trong bụng chị. Hai bên nội ngoại ai cũng phấn khởi. “Cháu đầu dâu trưởng”, vợ chồng anh trưởng lấy nhau gần chục năm nay vẫn chưa có con, ông bà sốt ruột, giờ nghe được tin chị mang bầu, ông bà mừng quá.
Ba tháng đầu mang thai chị nghén, không muốn ăn uống gì, cộng thêm hai lần ra máu dọa sẩy. Bác sĩ bảo chị phải kiêng cữ, không được đi lại nhiều và tránh làm việc nặng. Chị gọi điện về nhà báo cho bố mẹ chồng, xin phép khi nào sinh cháu mới về thăm các cụ. Mẹ chồng chị không động viên chị thì thôi, lại nói mát một câu: “Các chị bây giờ cứ như người dây cây cảnh, mẹ ngày xưa còn đẻ con ngoài đồng là chuyện bình thường”.
Chị buồn nhưng không biết làm gì, đành ngậm ngùi và lại thông cảm cho mẹ chồng “các cụ già rồi khó thông cảm cho giới trẻ”. 9 tháng 10 ngày thai nghén cũng qua đi thật nhanh, đứa con gái kháu khỉnh của chị đã cất tiếng khóc chào đời.
Vì cái thai quá to, nước ối lại cạn sớm so với dự kiến sinh, nên chị phải mổ, mọi ý định về nhà nội sinh con đều bị chồng chị và bố mẹ đẻ dập tắt. “Về đấy cái gì cũng thiếu làm sao mà yên tâm, bệnh viện cách nhà hơn chục cây số, có vấn đề gì thì hối không kịp”, mẹ chị nói. Mẹ chị gọi điện cho thông gia xin phép cho con gái sinh nở trên này tiện đường chăm sóc. Bố mẹ chồng chị cũng nhất trí quan điểm và còn có thiện ý “nhờ” tất ông bà bên ấy.
Ngày chị mổ trùng hợp với ngày cụ nội của con chị đi mổ mắt, nên không ai bên nhà chồng lên thăm, đó là lý do mẹ chồng chị khất. Vì mổ nên mẹ con chị phải nằm viện một tuần mới được về nhà. Mẹ đẻ chị cứ hết ngày lại đến tối chăm sóc, trông nom, không có một ai bên nhà chồng hỏi đến chị, đến cháu.
Sau tuần đó, vợ chồng chị dự định thuê taxi đưa con về quê nội để ông bà, các cụ biết mặt cháu, nhưng mẹ chồng chị lại gọi điện lên “nhờ” ông bà thông gia: “Vào mùa gặt, tôi sợ đưa cháu về sẽ dặm dụi, bận bịu việc đồng áng không chăm cháu chu đáo được, thôi lại nhờ tất ông bà, xong mùa tôi sẽ lên đón cháu về chơi dăm bữa nửa tháng…”.
Cho đến nay con gái chị đã 11 tháng tuổi vẫn chưa biết mặt ông bà nội. Điều đó khiến chị buồn. Nhưng hàng tuần chị vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông bà và bố mẹ chồng. Trước mặt chồng, chị vẫn động viên anh “vì bố mẹ trăm công ngàn việc, hết đồng áng lại lợn gà…”. Chị muốn vo cho tròn để gia đình hoà thuận, tránh điều không hay giữa mẹ chồng – nàng dâu, nhưng lúc nào cũng canh cánh một nỗi niềm: Mình có điều gì chưa phải?
Tâm sự với mấy người bạn thân thì chị bị mắng sa sả là hâm. Họ bảo chị không phải đau đầu. Khác máu tanh lòng, chẳng có bà mẹ chồng nào thương con dâu và chịu hiểu con dâu cả. Thực lòng, chị mong những gì bạn bè nói là sai.
Bống-XuKa
(theo dantri)