Ngôi sao này được đặt tên là C/2010 X1 (Elenin) vì nó được Leonid Elenin thuộc Viện toán học ứng dụng mang tên Keldysh tìm thấy ngày 10/12.
Đài quan sát ISON-NM nằm ở bang New Mexico, Mỹ nhưng được điều khiển từ xa bởi các nhà bác học Nga. Ngày 11/12, trên website của đài quan sát ISON-NM xuất hiện thông báo về việc phát hiện “vật thể” mà có nhiều khả năng là sao Chổi. Cũng vào hôm đó, khám phá mới này đã được các nhà thiên văn học Nga và Ukraine hiện đang làm việc tại đài quan sát Maidanak ở Uzbekistan khẳng định. Sau đó, các đồng nghiệp Mỹ và Nhật cũng khẳng định thông tin trên.
Sao Chổi C/2010 X1 (Elenin). Ảnh chụp trên web của đài quan sát ISON-NM
Vào thời điểm này, các tham số chính xác về hoạt động của sao Chổi chưa được xác định rõ ràng. Từ các dữ liệu hiện có, các nhà thiên văn đưa ra kết luận sơ bộ rằng, điểm quỹ đạo của sao Chổi (điểm cận nhật) nằm ở khoảng cách 4 đơn vị thiên văn gần hệ Mặt trời (một đơn vị thiên văn tương đương khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời).
Sao Chổi trước đó được các nhà thiên văn học Nga phát hiện vào năm 1990. Các nhà thiên văn học Nga đã phối hợp với những người đồng nghiệp Nhật Bản tìm ra sao Chổi được gọi là C/1990 E1 (Chernis-Kiuchi-Nakamura).
Mô hình tàu thăm dò Deep Impact. Ảnh NASA/JPL-Caltech
Mới đây, các nhà thiên văn học thuộc NASA đã công bố những bức ảnh rõ nét nhất về sao Chổi Hartley 2 sau khi tàu thăm dò Deep Impact tiếp cận sao Chổi này ở khoảng cách 700 km vào ngày 4/11. Các nhà bác học cho biết, đây không phải là lần đầu tiên tàu thăm dò Deep Impact của NASA tiếp cận một sao Chổi ở khoảng cách gần đến như vậy. Năm 2005, tàu thăm dò này cũng đã khiến cả thể giới ngạc nhiên khi tiến sát và chụp được những hình ảnh rõ nét về sao Chổi Tempel 1.
(theo bee)