Màn sương kỳ lạ trong dải Ngân Hà khiến giới khoa học đau đầu suốt nhiều thập kỷ qua là một đám bụi xoay với tốc độ hơn chục tỷ lần mỗi giây.
Những vùng màu đỏ trong hai bức ảnh ghép cho thấy bức xạ phát ra từ những hạt bụi xoay với tốc độ hàng chục tỷ vòng mỗi giây. Ảnh: ESA.
Từ nhiều thập kỷ trước giới khoa học phát hiện một “màn sương” mờ ảo phát ra ánh sáng trong Ngân Hà song họ không giải thích được bản chất của nó. Một giả thuyết cho rằng đó là những đám mây bụi dày lang thang giữa các ngôi sao. Tuy nhiên, câu trả lời chính xác vẫn là một ẩn số trong suốt nhiều thập kỷ, National Geographic cho biết.
Nhưng mới đây phi thuyền Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát hiện ra rằng màn sương ấy được tạo nên bởi vô số hạt bụi nhỏ li ti. Mỗi hạt có đường kính tương đương từ 10 tới 15 nguyên tử. Chúng xoay với tốc độ hơn chục tỷ vòng mỗi phút – vận tốc xoay lớn nhất trong vũ trụ mà giới khoa học từng biết.
Các nhà khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu phân tích dữ liệu mà phi thuyền Planck gửi về. Họ cho rằng những hạt bụi va chạm liên tục với những nguyên tử chuyển động nhanh và tia cực tím. Sự va chạm liên tục khiến những hạt bụi xoay cực nhanh. Do tốc độ xoay quá lớn, những hạt bụi phát sáng ra ánh sáng với bước sóng cực ngắn.
(theo vnexpress)