Học theo cảm hứng
Nguyễn Quốc Huy, SV khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Kinh tế kể, cách đây 4 năm, một người bạn tên H của em tuyên bố sẽ theo nghiệp nhạc công, biết chơi thành thục ít nhất 10 loại nhạc cụ. Để minh chứng cho quyết tâm và đam mê đó, anh ta lao vào tập luyện hết sức hăng say.
Thế nhưng, sau vài năm H lại tuyên bố không thích học nhạc nữa mà giờ quyết tâm làm một nhiệp ảnh gia chuyên nghiệp. Để theo nghiệp này H đã vất bỏ mấy cái đàn mua hơn mười triệu đồng để đầu tư tiếp chiếc máy ảnh dSLR đắt tiền để theo học nhiếp ảnh
Nói về các bạn trẻ thay đổi môn học ngoại khóa như cơm bữa, thầy Oanh của Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP. Sài Gòn) cho rằng: “Tôi phải thường xuyên chỉnh sửa danh sách học viên mà mình đảm nhận dạy, không phải vì nhiều học viên đăng ký mới, mà vì …học viên nghỉ và chuyển môn quá nhiều”.
Đa số học viên rất hăng say tập luyện trong 2 – 3 tuần đầu tiên, nhưng qua tháng thứ 2 thì quá nửa xin nghỉ, một số không nhỏ đăng ký qua môn khác vì chợt nhận thấy môn khác mới là đam mê của mình.
Đặc biệt, mới đây khi môn parkour (nghệ thuật di chuyển) được giới thiệu rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khiến hàng trăm bạn trẻ đổ sô về đăng ký học môn này; nhưng chỉ thời gian ngắn là “rụng rơi”. “Nhiều khi té ngã một cái là các em nghỉ ngay vì sợ!”, thầy Oanh cười nói.
Chạy theo phong trào
Quốc Cường, học sinh lớp 11 PTTH Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) tâm sự: “Còn nhớ cách đây ít lâu, các bạn em phát sốt vì việc nuôi thú cưng, đặc biệt là những loại thú nhỏ nhỏ xinh xinh như hamster, nhím cảnh …”
Nhưng một thời gian sau, đa số chính những bạn trẻ này lại bỏ mặc không chịu quan tâm đến lũ thú cưng này. Theo Cường, mới đầu em thấy trên báo nói nuôi nhím cảnh dễ, không tốn nhiều thời gian và các bạn em, ai cũng có một con. Thấy em không có, mấy đứa cứ chọc hoài nên em quyết tâm nuôi thử xem sao. Nhưng không ngờ rắc rối quá nên đành thôi”.
Đa số các bạn trẻ, chỉ vui theo cảm tính, sao cho bằng bạn bằng bè. Khi cảm thấy chán, hay gặp khó khăn về việc học cách chăm sóc, yêu thương đến vật nuôi của mình thì liền buông bỏ.
Cứ thế, những “phong trào đam mê” nhất thời, chạy theo phong trào của các bạn trẻ có kể cả ngày cũng không hết: Origami, Cosplay, chơi xe/máy bay mô hình, biểu diễn Yoyo, nhiếp ảnh … Nguyễn Thị Liên, học sinh PTTH Phan Đăng Lưu cười khi nghe phóng viên đề cập. Liên cho rằng “thích thì chơi, không thích thì bỏ, sao cứ phải níu kéo”.
Mất tiền, tốn thời gian
Với cách sống của các bạn hay chạy theo các thú chơi kiểu “phong trào” thường đem lại việc mất thời gian, tiền bạc, công sức mà kết quả thì chẳng có gì. Nhưng còn tai hại hơn khi nhiều phong trào nguy hiểm, thậm chí phạm pháp cũng khiến nhiều bạn trẻ mê mệt.
Cách đây vài tháng, giới trẻ Sài Thành rộ lên phong trào kỳ quặc ngửi hơi keo công nghiệp. Rất nhiều học sinh THCS tụ tập, bỏ tiền mua các bịch keo công nghiệp rồi mở ra… ngửi.
Hoàng Trọng Nghĩa, quận Bình Thạnh cho biết: “Mấy đứa bạn em nói bên Singapore, giới trẻ dùng chất này nên cùng nhau thử xem sao. Từ đó tạo thành một phong trào, mới đầu em không thích nhưng bọn bạn chọc quá nên thử xem sao. May là em nhận ra sớm đây là chất độc nên kịp bỏ”.
Thậm chí có những phong trào thách thức cả luật pháp. Khi series phim siêu trộm “hội Ocean” được trình chiếu, nhiều bạn trẻ tự đặt ra các nhiệm vụ “vượt lên chính mình” bằng việc … trộm đồ trong siêu thị và các trung tâm mua sắm.
Qua đó cho thấy, những tệ nạn, hành vi vi phạm pháp luật trong giới trẻ hiện nay, có mấy thứ lại không bắt đầu từ hai chữ “phong trào”? Kẻ đi trước vẽ cho người đi sau, người đi sau “phấn đấu” để khỏi kém anh kém em. Để rồi từ đó nhiều bạn trẻ lún sâu vào nghiện ngập, cờ bạc, ăn chơi trác táng …
Hoài Lương – Văn Hoài
(theo dantri)