Nhà ông bà nội đất rộng. Giữa mảnh đất, ông nội xây hai ngôi nhà: nhà lớn bốn gian, nhà nhỏ ba gian, hai ngôi nhà đều lợp ngói đỏ, xung quanh là vườn cây ăn trái: ổi, đu đủ, mãng cầu, mít, cam… Các bác, các chú và bố tôi đã được sinh ra và lớn lên trong hai ngôi nhà ấy. Ông nội tôi khi đó là giáo viên đã nghỉ hưu. Dù vậy, ông còn khá khỏe mạnh, minh mẫn. Ông là “người thầy” đã dìu dắt tôi trong những ngày đầu tiên đi học. Và, tôi trở thành “học sinh” đầu tiên trong lớp học đặc biệt của ông.
Ảnh: Internet
Gọi là lớp học đặc biệt vì trong “lớp” chỉ có một thầy – một trò. Ông nội hiền lành, nhân hậu, vui tính là thế, nhưng khi đã vào “lớp học” thì ông rất nghiêm khắc. Cũng chính sự nghiêm khắc của ông nên tôi học hành tiến bộ hẳn. Thấy thế, mấy bác hàng xóm cũng qua nhờ ông kèm cặp cho con của họ. Sĩ số “lớp học” vì thế ngày càng tăng.
Trong “lớp học”, ông nội chăm chút cho chúng tôi từng ly từng tí. Ông đặc biệt rèn cho chúng tôi những “quy tắc trong lớp học”: khi viết phải ngồi thẳng lưng, không cúi đầu thấp, không để tập vở nghiêng, không cầm bút quá thấp hay quá cao; muốn ra ngoài phải khoanh tay xin phép; trong “lớp học” phải giữ trật tự… Không những nghiêm túc làm theo lời ông chỉ bảo, chúng tôi còn ngấm ngầm thi đua với nhau xem ai thực hiện tốt các quy tắc ấy. Ai làm tốt sẽ được ông khen và lấy làm gương trước “lớp”.
Mỗi buổi học, chúng tôi được nghỉ giải lao khoảng 20 phút. Lúc này, ông tranh thủ đọc sách, uống trà, còn lũ trẻ chúng tôi ra vườn chơi các trò chơi. Hôm nào nhà có quà bánh, ông nhờ bà chia đều cho tất cả chúng tôi để động viên tinh thần.
Mỗi dịp vào năm học mới, ông lại bận rộn hơn. Ông rất khéo tay và cẩn thận nên thường bao sách, vở cho chị em tôi. Ngày ấy ở nông thôn chưa có sẵn giấy bao đẹp như bây giờ, ông thường giữ lại những tờ báo đã đọc qua để bao sách, vở cho chúng tôi. Nhờ thế mà sách vở của tôi luôn sạch đẹp.
Ngày tháng trôi qua, hết lớp học sinh này đến lớp học sinh khác nối tiếp nhau. Rồi tôi lên cấp III, cũng là lúc ông đã tuổi già sức yếu, không đủ sức “đứng lớp” nữa. Ngôi nhà ngói ba gian – cái lớp học đặc biệt ấy – trở thành góc học tập của riêng tôi .
Với tôi, ngôi nhà của nội không chỉ là nơi lưu giữ bao kỷ niệm hạnh phúc gia đình, mà đó còn là “lớp học”, “trường học” đầu tiên của chị em, bạn bè tôi, là nơi ông nội đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho con cháu. Giờ đây, chúng tôi đều đã khôn lớn, trưởng thành, nhiều người tốt nghiệp đại học và đã có công việc làm ổn định. Chúng tôi được như ngày hôm nay một phần là nhờ được học lớp học đặc biệt ấy, nhờ tình thương yêu và dạy dỗ của ông.
Phạm Nhung
(theo phunuonline)