Ảnh: Internet
Không vấn đề gì nếu mất thêm tiền mà được dùng sản phẩm sạch. Vấn đề là chữ sạch quá nhanh trở thành phương tiện để người ta “thấy người sang bắt quàng làm họ” hay tệ hơn, bị những kẻ không ngay thẳng dùng “đánh lận con đen”.
Khá nhiều cái gương tày liếp từ nước tinh khiết sản xuất bằng nguồn “thủy cục” đào cạnh bãi tha ma, sữa tiệt trùng đầy E.Coli… Người tiêu dùng lại hay mất cảnh giác với chữ sạch, chữ sang, thậm chí càng thông thái, hầu bao càng rủng rỉnh, càng dễ sa chân vào bẫy.
Trớ trêu vì tai tiếng mà chữ sạch bị biến tướng theo nhiều kiểu cười ra nước mắt: “rau có sâu mới là rau sạch” (không dùng thuốc trừ sâu), thực phẩm làm sẵn phải… bẩn một tí chứ trắng trẻo tinh tươm quá ắt đầy chất tẩy trắng. Chân giả lộn sòng, na ná chuyện mấy khu phố văn hóa, quan chức công khai tài sản, tân nương mông má “cái ngàn vàng”…
Đã là thực phẩm thì phải sạch, nghĩa là không thể có khái niệm phân biệt sạch-dơ với cái ta đưa vào miệng. Hiển nhiên thời đó còn lâu mới tới, nên tạm thời đồ sạch vẫn còn được đóng nhãn thượng lưu. Các bà nội trợ vẫn còn phải dựa vào sức mình là chính, kể cả vài kinh nghiệm thương đau trót lỡ yêu lầm, để chọn được bó rau, cân thịt sạch… có trời đất chứng giám chứ không phải bằng một chữ “sạch” tự phong to tướng trên bao bì.
Mong sao thời “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều” mau qua để mỗi lần đi chợ với các bà nội trợ là niềm vui chứ không phải cuộc… đấu trí.
BS Đỗ Minh Tuấn
(theo phunuonline)