ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Mùa xuân ai đi hái hoa… 
Friday, February 11, 2011 15:22
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Những ngày Tết trôi qua, có không ít người vợ ngồi thẫn thờ: mình vừa trải qua “cái gì” vậy? Việc bếp núc bận bịu, chưa kịp xả hơi đã… hết Tết. Trong khi đó, ông chồng lại trở thành “đặc phái viên” thường trực bên mâm rượu hoặc sới bạc. Cho nên, với một số chị em, Tết là những ngày cực nhọc lo toan.

Tết ơi là tết!

Chị Hà – vợ nhà báo Hồ Vinh đau khổ nhớ lại: chỉ mới Noel là “lịch nhậu” của anh Vinh dày đặc cho đến “mùng, mền, chiếu, gối”, chị hiếm được thấy chồng trong trạng thái tỉnh táo. Bằng giọng dí dỏm vốn có, anh Vinh lý giải về cái sự thường xuyên nhậu: “Viết xong bài báo xuân, mừng, nhậu; bài được đăng càng phải ăn mừng; lãnh tiền thưởng Tết Tây: nhậu; tiền thưởng Tết ta: nhậu; tất niên cơ quan, họp mặt bạn bè… nhậu. Đến “mùng” thì lại càng phải nhậu để lấy hên cho cả năm. Túm lại, nếu không có sự kiện thì “hội” tụi tôi tự tạo sự kiện, thậm chí mừng thằng bạn tiễn… má vợ về quê ăn Tết, mừng Tết đi nhậu về trễ mà không bị vợ cằn nhằn… Thật ra, tui cũng có ý thức phải chia sẻ việc nhà với vợ. Nhưng từ ý thức đến hành động là khoảng cách rất xa. Nhiều lúc, tôi sắp về đến nhà thì mấy chiến hữu gọi: “Mồi, bia sẵn hết rồi, quán kế bên nhà mày nè”. Vậy là phải tạt qua, định ngồi chút về, nhưng làm vài chai thì mất luôn ý thức về thời gian”.

Nói xong anh cười hề hề và cho biết rất khoái Tết. Còn vợ anh thì nẫu ruột vì người giúp việc về quê, chị phải cắm cúi nấu nướng, cúng kiếng, bày, dọn mâm nhậu đãi khách khứa đến liên tục và chăm ba con cùng ông chồng. Chị sợ nhất khoản chồng dẫn con đi chúc Tết, lúc về là hai đứa con năm tuổi, bảy tuổi đi trước dẫn đường cho bố giữa làn xe cộ ngang dọc đến ớn lạnh.

Nhìn lại Tết mà thấy… sợ là tâm trạng của rất nhiều người vợ và điều này được thể hiện rõ qua những topic trên mạng hay trên blog, facebook… Mẹ bé Nhật Minh trút nỗi lòng qua blog: “Trước Tết, chồng ngày đi làm, tối đi nhậu. Chỉ có mình tôi dọn dẹp, chuẩn bị Tết như tám năm qua. Về quê thì có thêm mẹ chồng chung hoàn cảnh. Cánh phụ nữ vùi đầu vào bếp: hết gói giò, nấu bánh chưng, thịt đông, hầm xương, làm lòng… Nấu xong bữa mệt phờ cả người. Đàn ông chỉ có tiếp khách, ăn uống, nhậu nhẹt sáng, trưa, chiều, tối. Mấy mẹ con cứ lao vào chuẩn bị mâm cỗ, thế mà chốc chốc các ông lại hỏi: “Có gì ăn chưa, khách sắp đến rồi đó”. Tết năm nay, mình ở nhà nấu nướng đúng bốn ngày, chỉ đi thăm hai nhà hàng xóm, còn lại không hề bước chân ra khỏi ngõ, không đi thăm cô dì chú bác nào cả, chẳng biết niềm vui của Tết là gì”.

 Mùa xuân ai đi hái hoa...   - Tin180.com (Ảnh 1)

Minh họa: NOP

Với chị Thái – nhân viên ngành ngân hàng thì Tết là mùa của vất vả và lo toan. Sau bảy năm lấy chồng, chị đúc kết: “Tết chỉ vui khi còn độc thân, được đi chợ hoa, được thảnh thơi vui chơi với bạn bè, được mừng tuổi… Những thú vui rất bình thường mà khi có gia đình lại trở nên xa xỉ”. Chị kể: “Giao thừa năm nào chồng tôi cũng phải về bên nhà ông bà nội xông đất rồi ở lại bên đó hết ngày mùng 1, do bà nội coi tuổi chỉ có một mình chồng tôi hợp, thêm cái tên Đức Thịnh của ổng nữa. Thế là một mình nằm chèo queo với con xem tivi đến chiều tối sang nhà nội thì ông chồng mình đã thành một đống… bèo nhèo. Mùng 2 về nhà mình, phải nhậu với ba vợ, anh vợ, anh em cột chèo… đến chiều thì có chống ổng cũng đi không nổi”.

Không chỉ ở thành thị, mà các bà vợ ở nông thôn cũng khổ không kém với các “anh xã” trong mấy ngày Tết. Bình thường, các ông đã mê nhậu, Tết lại càng nhiệt tình hơn. Chị Tư Phô ở xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang thì đã nhiều năm rồi, cứ hết một ngày mùng là phải đi kiếm chồng. Chị kể: “Rủ bạn đến nhà nhậu quắc cần câu thì không nói gì, mà đi chúc Tết cha mẹ vợ, họ hàng, bạn bè thì ổng cũng nhất quyết “không say không về”. Lần nào, tui cũng làm tài xế chở ông chồng khật khưỡng phía sau”.

Rút kinh nghiệm cho… tết sau

Không lẽ cứ đến Tết là “một người khổ cho… cả nhà vui?”, cần phải thay đổi chứ? Chị Hà (nhân vật nhắc ở đầu bài) tỏ vẻ quyết tâm. Chị chia sẻ: “Dù vợ chồng son hay đã có nhiều năm chung sống, dù người có địa vị cao hay bình thường… thì các bà vợ đều có mơ ước giống nhau: chồng đừng bí tỉ và biết chia sẻ, thông cảm với vợ trong những ngày Tết. Khát vọng là vậy, nhưng các bà, các chị lại không biết phải hành động thế nào để hiện thực hóa ước mơ”.

Chị Phương Thúy – biên tập viên một nhà xuất bản, sáu năm lấy chồng thì chị có năm mùa về Bạc Liêu đón Tết với nhà chồng. Chị ngán ngẩm kể: “Chẳng có ngày Tết nào nhà tôi được bữa ăn đầy đủ cả hai vợ chồng. Vì thế, năm rồi, tôi làm một cuộc “cách mạng”, bảo chồng ở lại Sài Gòn đón Tết. Nào ngờ, càng cực thân hơn. Từ sáng mùng 1 đến mùng 4, ngày nào chồng cũng í ới bạn bè đến nhậu. Tết vừa qua, khi chồng tôi bàn chuyện về quê ăn Tết, tôi đã ra “nghị quyết”: đồng ý khi anh hứa chỉ nhậu một bữa mỗi ngày Tết, nếu anh vi phạm, tôi và con sẽ bỏ về ngay tức khắc. Lúc đầu chồng tôi không chịu, nhưng sau thấy tôi mặt lạnh như tiền, ông ấy đành chấp nhận. Và đã thực hiện đúng lời hứa”.

 Mùa xuân ai đi hái hoa...   - Tin180.com (Ảnh 2)

Cả nhà cùng vui – Ảnh: Phùng Huy
Ảnh : mang tính minh hoạ

Làm sao để Tết là niềm vui, sự thụ hưởng chung của vợ chồng? Điều này đã thành “nhiệm vụ bất khả thi” khi “được” (hay bị) truyền thống định hình: đàn ông – nhân vật chính trong việc giao tiếp, bày tỏ tấm lòng bên mâm rượu. Còn cánh phụ nữ: mẹ chồng/mẹ ruột, con dâu/con gái, cháu gái… là nhân vật phụ – với nhiệm vụ làm cho việc giao tiếp được thực hiện tốt đẹp hơn. Theo kinh nghiệm của những “sư tỉ”, “sư mẫu”, “sư bà” đi trước thì cần phải có sự bàn bạc, thỏa thuận trước giữa vợ chồng về vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên khi xuân về (phải là trước Tết, chứ ngay Tết hoặc sau Tết là hỏng) và sự khéo léo, nhẫn nại chính là “bí kíp” trong “hiệp thương”. Chị Hạnh – vợ của hiệu trưởng một trường đại học chia sẻ: “Thông thường, dịp Tết là lúc người giúp việc về quê, nên cả nhà cần bàn bạc, chia sẻ, phân công công việc cụ thể và hỗ trợ nhau. Nhà tôi thỏa thuận: Trước Tết, tôi và con gái lo đi chợ và bếp núc. Chồng và con trai lo nhà cửa và đi biếu quà Tết nội ngoại hai bên. Ba ngày Tết, để có thể tiếp khách, chúng tôi thống nhất với nhau là chồng tôi chỉ được uống rượu buổi chiều tối. Nhiều năm rồi, cứ thế, với sự chung sức của cả nhà thì dù năm – bảy lượt khách/ngày cũng không ngán”.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách chữa cháy tạm thời cho mùa Tết và thành công hay không phụ thuộc vào yếu tố “hên xui”. Cái gốc của vấn đề là phải xây dựng trách nhiệm chia sẻ, thông cảm giữa vợ chồng “từ thuở bơ vơ mới về”. Đến Tết, cánh đàn ông mang tâm thế được tự do, hưởng thụ sau một năm làm việc vất vả, mà bị bắt vào khuôn phép thì cũng hơi phức tạp. MC Xuân Hiếu, người luôn mong mỏi đến Tết và sau gần bốn năm kết hôn, chị thấy “xuân này hơn hẳn xuân qua”, vì cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa sự sum họp, nghỉ ngơi và hạnh phúc của Tết. Điều này không phải tự dưng mà có, mà được hình thành từ việc xây dựng lối sống chung và tổ chức cuộc sống gia đình của vợ chồng ngay những ngày mới cưới.

Xuân Hiếu hồ hởi kể: “Khi mới kết hôn, vợ chồng tôi đã bàn bạc, thỏa thuận về việc nhà: hai người cùng chung sức và sẵn sàng hỗ trợ nhau. Đi làm về, tôi vào bếp nấu ăn thì chồng quét nhà, lau nhà… Những ngày Tết thì tinh thần chung sức càng được thể hiện triệt để. Tôi lo nấu nướng, anh ấy giặt giũ mùng mền, drap, màn cửa… Ngày 29, 30 Tết, anh chở tôi đi chợ Tết. Để đỡ vất vả ngày Tết, ngoài những thức ăn phải nấu để cúng kiếng, thì bà nội trợ nên chọn một số thực phẩm đã chế biến sẵn như: giò chả, nem, khô mực, dưa món, củ kiệu… để khi khách khứa nhiều thì mình bày ra ngay, vừa tiện, vừa nhanh. Đặc biệt, để tránh tranh cãi chuyện ăn Tết ở đâu, vợ chồng phải có kế hoạch từ đầu năm. Vợ chồng tôi thường phân chia thời gian: nghỉ lễ, 30/4, 2/9 ở quê nội Bình Định, thì Tết về nhà ngoại ở Đồng Tháp hoặc ngược lại. Dù chỉ về được một bên, nhưng sự tôn kính, hiếu thuận phải được thể hiện đồng đều với hai bên, để cha mẹ không thấy chạnh lòng khi con không về sum họp. Làm được như vậy, dù Tết đã qua đi nhưng tâm trạng người vợ vẫn… vui như Tết”.

Thùy Dương
(theo phunuonline)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.