“Theo những gì nghe từ bà ngoại kể lại, thì từ khi chào đời đến nay lúc nào tớ cũng được cả nhà “nâng như trứng, hứng như hoa”, cứ như một thằng “công tử bột” yếu đuối vậy. Điều này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tớ rất nhiều. Nhất là mỗi khi bố mẹ tớ biến thành “vệ sĩ” trực chỉ 24/24 và tỏ ra quan tâm quá mức cần thiết!!”
Tớ tên là Trần Đăng Khoa học lớp 12 trường quốc tế VM, cũng chẳng hiểu vì sao lúc nhỏ lại được nuông chiều đến như thế. Không phải tự tâng bốc bản thân, nhưng thật sự là từ trước đến nay, dù cần bất cứ gì, muốn gì, thích gì, miễn có thể mua được là dường như bố mẹ mang về ngay lập tức cho tớ.
Nói chẳng ngoa là suốt hơn 18 năm qua tớ luôn được như thế, cũng có thể vì là con út trong nhà nên được nuông chiều, đối với mọi người mà nói đây là chuyện bình thường. Còn đối với tớ nó thật phiền toái, nhất là khi đã lớn, cần sự riêng tư và cả thời gian cá nhân cũng chẳng có.
Khi tớ được bảo vệ bởi 2 “vệ sĩ lẫn thám tử” bất đắc dĩ
Ngoài việc muốn gì được nấy ra thì cả bố lẫn mẹ đều rất cưng tớ như một “quả trứng” mỏng vỏ vậy, đâm ra cả hai người lúc nào cũng giám sát suốt 24/24 và tìm hiểu tất tần tật những thứ thuộc về tớ.
Lúc nhỏ thì chẳng có bất kì điều gì có thể che giấu họ, nhưng mấy năm gần đây tớ bắt đầu có những vấn đề thật sự khó nói và không muốn cho người khác biết, tớ nghĩ đây chính là vấn đề hiển nhiên ở lứa tuổi dậy thì, điển hình như chuyện yêu đương, các mối quan hệ với bạn bè, nhưng chưa bao giờ tớ thoát khỏi cặp mắt “diều hâu” của mẹ, lẫn bộ óc “trinh thám” của bố!!
Dạo gần đây tớ “cặp kê” với một cô bạn gái cùng lớp tên H, cứ đến tầm 7h tối là hai đứa thường nhắn tin điện thoại chat chit với nhau. Có lần do cả nhà ăn cơm muộn, trong lúc hai đứa đang mải mê nhắn tin thì mẹ liền bảo: “Con nhắn tin cho ai thế, đừng bảo là đang yêu nhỏ nào đấy. Còn nhỏ lo mà học hành bắt chước yêu đương là chết đấy nhá!”.
Nhưng rồi đến tối mẹ bảo mọi người xuống ăn trái cây, thế là tớ vô tình bắt gặp bố đang âm thầm xem điện thoại trong phòng của tớ. Cũng vì thế mà cuộc sống của tớ chính thức bước qua chuỗi ngày càng được “mài giũa” với phép sống “sắt thép” và được quan sát chặt chẽ hơn với bộ đôi “thám tử lẫn vệ sĩ” bất đắc dĩ ở nhà.
Dù có đi học, đi chơi với bạn bè, cả bố và mẹ đều phải nắm rõ giờ đi giấc về, thậm chí muốn đi chơi với bạn bè nào, tớ cũng phải liệt kê danh sách là hôm đấy đi với bạn nào, với ai.
Đôi lúc tớ tự nghĩ cuộc sống của bản thân được quản lí cứ như một minh tinh điện ảnh nào đấy. Bạn bè phải “book lịch” với trước 2, 3 ngày để bố hoặc mẹ sắp xếp thời gian chở đi, rước về, mặc dù tớ là con trai và đã hơn 18 tuổi rồi cơ đấy!
Mất cả… Facebook
Tớ là Hạnh năm nay cũng học lớp 12, cực nghiện online Facebook. Thế nên mọi thứ từ học tập, tâm sự, tất tần tật đều được tớ cập nhật liên tục lên đấy, đôi lúc cũng bỏ ăn, ngủ muộn để ngồi trả lời comment cho bạn bè.
Rồi một hôm mẹ đưa cho tớ tờ giấy có ghi là “Khảo sát tình hình trực tuyến của khách hàng”. Trong đấy có đầy đủ thông tin cá nhân, có cả tên và đầy đủ các loại địa chỉ blog, trang cá nhân xã hội. Đọc lướt qua một lượt là tớ ghi tất tần tật, cứ ngỡ đấy là của một “ông nhà mạng” nào đang hỏi ý kiến khách hàng.
Vẫn chẳng hay biết gì, độ tuần lễ sau mẹ chợt nói hết những vấn đề mà mẹ không vừa ý với tớ, nhưng những vấn đề ấy toàn bộ đều ở trên Facebook mà chưa bao giờ tớ nói với bất cứ ai ở bên ngoài, thế là tớ được một phen sốc há hốc mồm, ngỡ ngàng “người bạn” xì tin mỗi ngày cứ vào Facebook mình “like like” hình ảnh nhưng chẳng thèm nói chuyện lại chính là mẹ. Tớ xanh mặt và dẹp ngay Facebook sau ngày hôm đó luôn.
Không chỉ có Khoa và Hạnh mới bị quản thúc khắt khe, và “sắt thép” như thế đâu. Vẫn còn rất nhiều bạn có trường hợp tương tự, nhưng lại chẳng dám nói cho bố mẹ biết rằng bản thân cảm thấy khó khăn vì điều đó, sợ bố mẹ sẽ buồn, và sợ biết đâu họ còn làm gắt hơn nữa thì tiêu.
Tuy nhiên ít ra bạn cũng nên thử ngồi trò chuyện tâm lí với bố mẹ một chút, mặc dù đấy là biểu hiện quan tâm yêu thương của bố mẹ, nhưng quả thực đôi lúc chúng ta cũng rất cần một khoảng trống dành riêng cho sự tự do đúng không nào.
(Theo PLXH)