ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Tác dụng ngược 
Wednesday, March 2, 2011 10:03
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Khi kết hôn, ai cũng mong muốn được gắn bó với nhau đến trọn đời, nhưng trong quá trình chung sống, vợ chồng khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Lẽ thông thường, các ông chồng/bà vợ luôn có những động thái để cứu vãn, giữ gìn hạnh phúc gia đình; tuy nhiên, đôi khi hành động của họ lại đi ngược với mục đích tốt đẹp đó.

Sai chồng sai

Trước khi lên “xe bông”, chị Phương Dung, nhân viên kế toán một công ty máy tính đã được bạn bè cảnh báo: “Thời buổi bây giờ nhiều cạm bẫy lắm: bia ôm, cà phê ôm, cắt tóc ôm, tình công sở, tình ông chủ – Osin… giữ chồng không chặt là mất như chơi đó”. Thấm nhuần tư tưởng này nên sau ngày cưới, Dung trở thành “giám sát viên” của chồng trên từng cây số. Cứ mỗi một giờ, Dung gọi điện thoại xem chồng đang làm gì, ở đâu và với ai. Những khi anh Quốc – chồng Dung, về muộn thì y như rằng điện thoại anh sẽ “cháy” vì vợ gọi liên tục. Lúc đầu anh Quốc tỏ ra khá thích thú, thậm chí còn tự hào với bạn vì nghĩ vợ nhớ chồng và quan tâm. Anh còn cho rằng đó là chuyện thường tình của những đôi vợ chồng son.

Nhưng, càng về sau anh Quốc lại thấy hành vi của vợ mình không bình thường chút nào. Anh bắt đầu cảm thấy khó chịu khi đang làm việc, tiếp khách, hội họp mà phải trả lời những câu hỏi của vợ, còn bị vặn đi vặn lại: “có phải anh đang họp không hay là đang đi với cô nào đó…”. Anh nói với vợ để rút kinh nghiệm, nào ngờ chị cho là chồng có “tật” nên giật mình. Vậy là, chị càng tăng cường giám sát và đổi chiến thuật. Thay vì kiểm tra chồng bằng điện thoại di động như trước, chị chuyển sang điện thoại bàn (để biết đích xác chồng có ở cơ quan không). Anh đi làm về, nhất là khi về muộn, là chị kiểm tra quần áo chồng xem có dấu hiệu hay mùi gì bất thường không, rồi buộc anh phải trả lời hàng tá câu hỏi: hôm nay đi những đâu, gặp những ai… dù trưa đã báo cáo rồi. Cảm giác hạnh phúc được vợ quan tâm của anh biến mất và dần dần anh thấy mệt mỏi, ngột ngạt dưới gọng kềm giám sát của vợ, đâm ngán vợ, ngán luôn việc về nhà. Thế là chị Dung càng nghi ngờ chồng “chán cơm thèm phở” nên giữ chặt hơn và làm lớn dần mâu thuẫn, khoảng cách giữa hai vợ chồng.

 Tác dụng ngược   - Tin180.com (Ảnh 1)

Minh họa: NOP

Chị Trúc Lan – tiểu thương chợ An Đông, phải mất gần hai năm mới kéo chồng ra khỏi người tình để trở về với gia đình. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với chị, nhưng sóng gió vẫn cứ ập đến, mà người khơi mào lại là chị.

Dù đã hứa bỏ qua cho chồng “tội” ngoại tình và không nhắc lại “chuyện xưa tích cũ”, nhưng mỗi khi đi làm mệt về, gặp cảnh nhà cửa bày biện lôi thôi là ngay lập tức hình ảnh chồng và cô nhân tình tay trong tay, ôm ấp như khúc phim quay chậm lướt qua đầu chị khiến chị lại cảm thấy khó chịu và nghi ngờ mọi hành động của chồng. Anh Hùng chồng chị nói chuyện điện thoại hơi lâu với bạn, chị nghĩ anh gọi điện cho “hồ ly tinh” nên xỏ xiên: “Điện thoại để làm việc, chứ không phải để thả dê”. Ngay cả khi xem tivi hay đọc báo thấy ai ngoại tình là chị chửi đổng: “Đồ đểu cáng, phản bội thế nào trời cũng trừng phạt!” và dặn cậu con trai năm tuổi: “Lớn lên, con phải sống đàng hoàng chứ đừng phản bội như người ta nghe con. Tội vợ con lắm!”. Điều khiến anh khổ tâm, xấu hổ nhất là có khách đến nhà, anh thường bị vợ lôi ra làm nhân vật chính: “Đừng có cưng chiều chồng mà hư, mấy ổng bỏ đi ngoại tình lúc nào không hay đó!”. Mục đích của chị nói để đỡ tức và răn đe chồng không “ngựa quen đường cũ”, nhưng chị quên rằng chồng chị đã trở nên nhạy cảm sau lần “hồi gia” và anh rất “nhột” khi bị vợ nói bóng gió hay nhắc lại lỗi lầm xưa. Vậy là hành động răn đe chồng của chị chẳng những không hiệu quả, mà còn làm cho anh co mình lại, ngại trò chuyện và chẳng chịu chia sẻ với vợ. Cuối năm 2010, anh Hùng đã nộp đơn xin ly hôn. Đến lúc này, chị Lan mới nhận ra cái sai và chính chị đã đổ sông đổ biển công sức của mình khi bỏ mà không cho qua lỗi lầm của chồng.

Không chỉ phụ nữ mới có những hành động sai lầm trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà cánh đàn ông cũng có những cư xử gây tác dụng ngược không kém. Vợ anh Ngọc – từng làm chủ hụi và bị bể hụi, mắc nợ gần một tỷ đồng. Để giữ uy tín và tránh tù tội cho vợ, anh đã bán một căn nhà (dự tính sẽ cho cô con gái) trả nợ cho vợ. Tuy căn nhà cũng là tài sản chung của vợ chồng nhưng từ đó, anh tự cho mình cái quyền là ân nhân của vợ và chỉ có anh mới là chủ của gia đình. Chẳng những vậy, mỗi khi chị có ý kiến về việc này, việc kia trong nhà thì anh “bãi miễn” bằng bài ca cẩm về thất bại của chị, bởi anh rất sợ vợ lại dính vào hụi hàng.

Các con của chị bị ảnh hưởng cách nhìn của cha nên trong đầu cũng mặc định suy nghĩ: mẹ là người vô dụng và gây họa cho gia đình khiến chị rất buồn. Có lúc chị đã nghĩ quẩn: “Đi tù chưa chắc tệ hơn là bị chồng con thường xuyên nhắc nhở, chì chiết chuyện cũ” và chị tìm đến Báo Phụ Nữ nhờ tư vấn xem có nên ly hôn?

 Tác dụng ngược   - Tin180.com (Ảnh 2)

Ảnh mang tính minh họa – Ảnh: P.Huy

Lạt mềm buộc chặt

Khi vợ chồng mâu thuẫn hay có dấu hiệu rạn nứt, sóng gió… thì một hoặc cả hai có những hành động “gìn giữ, thiết lập hòa bình” là điều cần thiết và nên làm. Điều này được các chuyên gia tâm lý khuyến khích và cho đó là động thái tích cực để vợ chồng hiểu nhau hơn và hạnh phúc vững bền. Tuy nhiên, từ mục đích đến hành động là khoảng cách khá xa và lắm lúc không song hành nhau. Đôi khi sự nhiệt tình, lo lắng quá mức của người trong cuộc khi thấy chồng/vợ và gia đình “lâm nguy” đã khiến ý nghĩa hành động của họ bị lệch đi và phát sinh hiệu quả ngược. Năm qua, Phòng tư vấn Hôn nhân gia đình của Báo Phụ Nữ đã tiếp nhận rất nhiều thư của bạn đọc “cầu cứu” về chuyện này. Nhiều người thắc mắc tại sao càng cố giữ gia đình thì càng rối và có những chuyện rất nhỏ đã trở thành chuyện lớn. Những sai lầm thường thấy được chị Hạnh Dung liệt kê:

- Khi chồng nhậu say về, vừa vô đến cửa đã bị càu nhàu và thường đi kèm lời kết tội “mê ăn nhậu, chẳng để ý đến vợ con, vô trách nhiệm với gia đình”. Theo tâm sự và nguyện vọng của các “bị can” thì đây là lúc họ cần sự ân cần của người vợ, mà nếu như đòi hỏi này quá đáng (hầu hết đàn ông đều biết mình nhậu là làm buồn lòng “chị nhà”) thì các ông chỉ xin “ân huệ” là được yên tĩnh. Những lời càu nhàu – là giải pháp của các bà vợ để cho hả tức và để các ông rút kinh nghiệm, kèm theo mắng mỏ, chì chiết đã phản tác dụng. Các chị thua trên sân nhà với giải pháp này.

- Khi chồng luộm thuộm, giày dép để chiếc sấp ngửa, áo trên giường, quần ở salon và báo thì rải đều từ phòng khách đến nhà vệ sinh, còn dẫn xe vô nhà thì chẳng bao giờ cầm chổi quét… Dĩ nhiên là vợ “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” và thường vừa thu dọn chiến trường, vừa càm ràm: “Nhà gì như chuồng heo. Làm sao sống nổi khi một người cứ bày bừa, một người phải dọn dẹp. Tôi cũng đi làm như anh, chứ có phải là đầy tớ đâu mà suốt ngày hầu hạ anh!”. Nghe những lời này, các ông chồng chẳng còn cảm thấy áy náy mà chỉ thấy bực mình. Nếu lúc đó mà người vợ biết cố gắng nhẹ nhàng “Anh ơi! Cái áo này anh nhớ bỏ vô máy giặt anh nhé! Còn xấp báo này anh để ở kệ và em đã để gạt tàn ngay ở bàn nghe anh”; vừa thị phạm, vừa ngọt như thế thì “lọt đến xương” chồng thôi.

- Khi chẳng may lấy phải ông chồng khoác lác, thích nổ, các bà vợ chúa ghét nên nhiều chị đã dùng chiêu “lật tẩy” anh nhà trước đám đông cho chừa. Lúc đó, chồng từ sượng trân sẽ quay sang nổi cáu với vợ và những lần sau luôn tìm cách hạn chế sự “đồng hành” của vợ với chồng trước đám đông.

- Khi vợ không phải là “bà xã can cook” thì các ông chồng có xu hướng lầm lì ăn, không biểu lộ cảm xúc hoặc nói kháy: “Cái này là canh à? Sao khó nuốt thế này?”. Hay lỡ có vợ là “đài phát thanh tại gia” thì chồng cũng vô tình trở thành “đài bạn” khi càm ràm: “Nói nhiều quá, nói không biết mệt à? ”. Thay vì cáu tiết, phải chi chồng biết dùng sự hài hước để nhắn gửi “thông điệp” của mình thì tình hình sẽ sớm được cải thiện.

Trên đây là những điểm chung qua đúc kết từ các trung tâm tư vấn và chị Hạnh Dung. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, mà mỗi người có cách giải quyết khác nhau. Điều các chuyên viên tâm lý muốn chuyển đến các đôi vợ chồng là: trong cuộc đời, hầu như ai cũng vấp phải sai lầm hay có khuyết điểm. Vì vậy, để xây dựng một cuộc sống gia đình êm ấm thì mỗi người cần có sự bao dung, chấp nhận điều chưa đẹp đó như một phần của cuộc sống và có điểm nào chưa hài lòng về nhau thì vợ chồng cùng “đối thoại” là giải pháp tốt nhất. Đừng “độc thoại” hay dùng những biện pháp cứng rắn, mà hãy theo lời ông bà xưa “lạt mềm buộc chặt”.

Thùy Dương
(theo phunuonline)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.