Bà Lê Thị Hợi phơi bánh tráng trước gian nhà ngói cũ của mình |
1. Ở tuổi lục tuần, bà Lê Thị Hợi, ấp Bến Giảng, xã Phú An, Bến Cát, Bình Dương có “thâm niên” làm bánh tráng hơn 30 năm. Những năm gần đây, sức khỏe yếu nên bà truyền nghề lại cho con gái, con dâu. Hỏi thăm chuyện làm bánh tráng theo kiểu thủ công này, bà chỉ nói đơn giản đó là nghề “gia truyền”, nhiều đời rồi, không giàu có gì, chỉ đủ lo cho con ăn học nên người.
Điều mà bà tự hào và luôn lấy đó làm hạnh phúc là vẫn giữ được nếp nhà. Căn nhà ngói ba gian mát mẻ vô cùng vẫn là nơi sinh sống của gia đình gồm sáu người: bà Hợi, cô con gái và vợ chồng đứa con trai cùng hai cháu nội. Vườn rất rộng trồng me, mít, măng cụt, tre… nhưng bà “vẫn để vậy, không bán, con cái cũng không thấy đòi hỏi gì”. Từ ngày có con đường nhựa chạy ngang trước nhà, đất đai có giá hẳn bà “vẫn để vậy”. Hỏi bà có ý định sửa nhà mới để ở cho… hoành tráng không, bà trả lời chân chất: “Tui làm gì có đủ tiền xây nhà hả cô? Mà có tui cũng không sửa. Ở vậy thoải mái hơn. Ở nhà xây đâu mát bằng!”.
Bà Hợi kể: “Mấy đứa con nhà này hay lắm. Có gia đình riêng nhưng ở gần đây. Đứa nào đi làm gì thì trưa, chiều cũng về với mẹ. Mỗi lúc con cái về đông đủ, cả nhà rộn ràng, rất vui”. Tôi đưa tay chỉ về phía cô con dâu đang ngồi tráng bánh, hỏi bà chắc thương con dâu lắm, bà cười: “Cưng chứ! Có mỗi mình nó là dâu mà. Mình thương nó, nó thương mình nhiều hơn”. Cả nhà ai cũng cười. Bà Hợi cười đã móm mém nhưng gương mặt ngập tràn hạnh phúc.
2. Giữa phố xá chộn rộn, vào hẻm, đi theo một con đường đất là đến nhà ông Tư ở phường Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông không chịu cho tôi ghi tên, địa chỉ cụ thể bởi “sợ người ta tìm đến hỏi mua đất!”. Theo lời ông thì: “Nhiều người hỏi lắm cô. Họ bảo mua nguyên miếng cũng được, phân lô bán nền cũng được nhưng tôi không bán. Hàng xóm còn bảo tôi… chảnh, chờ lên giá nhưng thực tình, bán đất ông bà tổ tiên để lại, xót lắm chứ. Hơn nữa, có tiền tỉ, lo con cái sinh ỷ lại, không chịu làm ăn…”.
Ngôi nhà của ông vẫn y nguyên nếp xưa cũ. Ông làm nghề mộc, có việc thì làm nếu không phụ vợ bán trái cây. Con ông đứa đầu đã đi làm. Con gái út học đại học trên thành phố. Nhiều người khuyên ông bà bán bớt đất cho con trai có vốn làm ăn, con gái đi học và sửa lại căn nhà khang trang, ông bà nhất định không nghe. Ông Tư nói: “Có thể đến lúc cần cũng bán bớt đất nhưng giờ chúng tôi tự lo liệu được. Con cái biết lo làm ăn, học hành. Nhà cửa yên vui, hạnh phúc, không ai bệnh đau gì là tốt rồi. Đồng tiền vốn có hai mặt, tôi sợ con mình hư!”.
Khoảng sân trước nhà ông Tư có cây me cổ thụ rợp bóng. Mấy con chim trong lồng hót véo von hòa chung tiếng ve mùa hè. Dưới gốc me, ông Tư kê bộ bàn ghế đá. Vợ ông bưng ra mấy ly cà phê sữa nóng hổi, thơm lừng để chủ và khách cùng thưởng thức trước khi bà ra chợ. Ngồi một lúc với họ, tôi khen: “Cô chú quyết định đúng rồi đó, bán đất là mất… cả buổi sáng cuối tuần quá đẹp này đó nghe”. Hai vợ chồng ngoài năm mươi cùng cười tươi…
3. Bà Hai ở đường Lê Hồng Phong, Thủ Dầu Một cũng là một người “quyết tâm giữ lấy nếp nhà”. Đất rộng, không những không bán mà đến thuê bà còn không cho! Nhà bà có đất mặt tiền rộng nên nhiều người… ngấp nghé hỏi thuê để làm quán ăn, quán cà phê. Giá thuê không dưới 15 triệu đồng/tháng. Số tiền đó đủ cho bà chi tiêu khỏi phải đi làm. Đất vẫn là đất của mình, hết hợp đồng thích ký lại không thì thôi. Ấy thế nhưng bà Hai vẫn: “Nếu cho thuê, có sẵn tiền xài, mình không được nhúc nhắc làm vườn, bệnh thêm thì có…”!
Bà Hai tính: nếu cho thuê đất, tất cả những khóm tre, trúc, cây xoài, cây ổi, mấy luống rau… phải phá sạch để giao mặt bằng cho người ta. Thử nghĩ coi, buổi sáng thức dậy không được hít thở không khí trong lành mà ngước mắt lên là thấy ngay bức tường chắn sừng sững trước nhà, thôi. Đó là chưa kể, làm quán xá phức tạp lắm, người ta đàng hoàng không sao chứ đến ăn, uống mà gây gổ rồi say sưa quậy phá, mệt óc lắm, thôi!
Có những người đã quyết “thôi” như thế với cuộc sống tiện nghi hơn để giữ lại đất, giữ lại mảng xanh. Với họ, nếp nhà, cuộc sống bình yên thường nhật, gần gũi với thiên nhiên là quý giá hơn cả…
Hương Cần
(theo thanhnien)