ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Bi hài sỹ tử ăn nhờ ở đậu luyện thi
Monday, June 27, 2011 14:22
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Vừa tới nhà chị Huyền, chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé tên Trang liền đề nghị được ở phòng riêng cho “tự do và kín đáo”. Khổ nỗi, nhà chị Huyền chỉ có hai phòng ngủ: Phòng của vợ chồng và phòng cho con gái. Thế nên, chị đành bố trí cho Trang và con gái mình ở chung phòng.

Thời điểm này, khi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đã hoàn tất, các sỹ tử trên cả nước đổ dồn đến các điểm ôn cấp tốc gần các trường đại học lớn tranh thủ trau dồi thêm kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong đời học trò. Đây cũng đã trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên” nhiều năm nay.

Nhiều gia đình ở Hà Nội đã được họ hàng, người quen ở quê nhờ làm chỗ cho con cháu họ “ăn nhờ ở đậu” trong thời gian ôn luyện và thi cử. Có gia đình chủ coi đây như là dịp để trả nghĩa anh em, họ hàng, những người đã giúp đỡ mình hay vui vẻ xem như mình đang làm phúc, nhưng cũng không ít trường hợp cảm thấy phiền toái do bất đồng về thói quen sinh hoạt.

Nhà mình biến thành… nhà trọ

Đây không phải lần đầu tiên nhà chị Thu Huyền (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đón tiếp họ hàng ở quê ra. Vợ chồng chị Huyền vốn cả hai xuất thân từ nông thôn, thế nên sau này, khi anh chị làm ăn, lập nghiệp ở Hà Nội thì căn nhà của họ bỗng dưng biến thành “nhà trọ miễn phí” của họ hàng, bạn bè hai bên.

Bi hài sỹ tử ăn nhờ ở đậu luyện thi - Tin180.com (Ảnh 1)

Nhiều sỹ tử đã khăn gói lên Hà Nội luyện thi từ bây giờ – (Ảnh minh họa)

Nghe lời dặn của chồng, sau khi tan sở, chị Huyền vội vã lấy xe đón con rồi ra bến xe Giáp Bát đón khách. Trời nắng, oi bức, phải tới 45 phút sau, hai mẹ con mới đón được khách bước từ xe ô tô xuống. Vị khách là Trang, cháu gái họ của chồng chị Huyền ra Hà Nội “dùi mài kinh sử” hằng mong thành cử nhân.

Vừa tới nhà chị Huyền, chưa kịp nghỉ ngơi, cô bé tên Trang liền đề nghị được ở phòng riêng cho “tự do và kín đáo”. Khổ nỗi, nhà chị Huyền chỉ có hai phòng ngủ: Phòng của vợ chồng và phòng cho con gái. Thế nên, chị đành bố trí cho Trang và con gái mình ở chung phòng. Ở được vài hôm, vẻ mặt bực tức, Trang gắt gỏng: “Cô Huyền ơi, cháu không ở được phòng chung với em được vì cháu thấy chật chội lắm!”. Chị Huyền chưa kịp tỏ thái độ thì anh Thắng – chồng chị đã đỡ lời: “Thế thì để em ở cùng phòng với cô chú vậy!”.

Tuy ở quê nhưng Trang lại mắc bệnh “tiểu thư”, một ngày trình diện 3-4 bộ quần áo, chưa kể tắm gội ngày hai lần. Quần áo chưa kịp bẩn, cô bé đã cho vào máy giặt quay. Chị Huyền nhắc không nên tắm và giặt nhiều như vậy thì cô bé đáp: “Cháu quen rồi, mỗi ngày một bộ quần áo, cháu không chịu nổi!”.

Sạch bản thân nhưng Trang lại bẩn với những gì ở xung quanh mình. Từ lúc ở nhờ nhà chị Huyền, Trang chưa lần nào cầm cây chổi quét nhà hay dọn dẹp nhà cửa. Nhà cửa bề bộn vì chị Huyền chưa kịp dọn, cô bé cháu họ cũng lờ tịt đi. Có lần chị nhắc việc dọn dẹp, cô bé hồn nhiên: “Cháu còn bận ôn luyện thi cử!”.

Chị Huyền càng bực tức hơn khi phải chứng kiến cô cháu họ mặc bộ váy mỏng tang lộ rõ nội y “lượn lờ” trước mặt chồng chị. Chị góp ý: “Con gái phải biết giữ ý tứ, mặc áo quần phải kín đáo”. Trang “vâng vâng, dạ dạ”, sau đâu vẫn vào đấy.

Từ ngày có cháu gái ở nhờ, tiền điện, tiền nước nhà chị Huyền tăng vùn vụt. Nhìn vào hóa đơn, chị Huyền thấy choáng váng. Anh Thắng biết vậy an ủi vợ: “Thôi em ạ, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Người ta khó khăn thì mới nhờ tới mình. Cháu chỉ ở với vợ chồng mình 1- 2 tháng, thôi đừng mắng cháu, kẻo ở quê biết chuyện lại cười vợ chồng mình ăn ở chẳng ra gì!”. Trước lời nói của chồng, chị Hoa đành bấm bụng “nuốt cơm sống” để giữ hoà khí.

Đau đầu chuyện nhà có khách

Sắp đến ngày thi đại học, chị Thu Phương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang “méo mặt” vì có cô em họ tên Hoa bên nhà chồng đến ở nhờ ôn thi đại học khối C. Là con gái, lại ở quê nhưng cô bé này không biết làm việc nhà thành thạo, lý do là bố mẹ nuông chiều, chỉ cho ăn và học, không phải làm bất cứ việc gì.

Ưu điểm của Hoa là rất chăm học, nhưng khổ nỗi, đêm nào cô cũng thức khuya, nhà chật chội, nóng nực nên sáng dậy muộn, uể oải. Thế là chị Phương lại phải vác bụng bầu đi chợ sáng sớm, chế biến thức ăn để trưa Hoa ở nhà ăn một mình. Cô bé chỉ biết mỗi việc là cắm nồi cơm điện và luộc rau muống, còn các món ăn chế biến cầu kỳ một chút như ở thành phố thì hoàn toàn “mù tịt”. Hôm trước cho thử rang thịt thì mặn đắng, rán cá thì cháy khét lẹt.

“Là phận làm dâu, cả đời họ hàng nhà chồng mới nhờ một lần, chả lẽ lại từ chối. Em sẵn sàng cho tiền nó thuê nhà trọ nhưng đời nào chồng em chịu, mang tiếng với họ hàng ở quê ra. Hơn nữa, em nó đến ở nhờ để ôn thi, khó bắt làm những việc như lau 3 tầng nhà hay giặt quần áo, vì cần nghỉ ngơi để có sức ôn thi. Nhưng kéo dài tuần lễ thế này chắc em cũng ra bã, mà ngày sinh sắp đến nơi rồi, lẽ ra phải được nghỉ ngơi mới đúng” – chị Phương tâm sự.

Cảnh nhà chị Hằng, quận Cầu Giấy cũng không kém phần éo le. Ông bác ruột của chồng ở quê lên đưa con trai lên ở nhờ để ôn thi đại học. Chị Hằng làm công ty nước ngoài, rất bận rộn nhưng mấy ngày nay cũng phải thu xếp để phục vụ họ hàng. Ông bác nói rõ là không ăn đồ ăn chế biến sẵn trong siêu thị để đảm bảo sức khoẻ cho con ôn thi nên sáng sớm, chị ra chợ mua đồ ăn tươi ngon, về nấu cho bác và cháu ở nhà ăn do trưa chị không về được.

Về mặt tiền bạc đóng góp cho chị mấy ngày hai bố con ở rất thoải mái, nhưng chị Hằng cũng rất mệt mỏi. Chị Hằng thở dài nói thêm: Cả nhà chỉ có mỗi mình là phụ nữ, ăn xong dĩ nhiên phải rửa bát, lau nhà, phơi quần áo. Bực nữa là cảnh sinh hoạt người quê rất khác nên càng “xì trét” nặng. Ông bác lại có thói quen là khạc nhổ vào bồn rửa bát hoặc ra ngay hè chứ không vào bồn rửa mặt rồi xả nước. Nhiều khi phát khùng, nhưng phải bấm bụng chịu đựng.

Theo lời chị Hằng việc thêm người như thêm bát thêm đũa không làm chị bực bằng việc phải dọn lại những đồ đạc ngày thường vốn đã có “địa chỉ”, nay phải chạy hết phòng này, phòng khác, tìm mỏi mắt mới thấy. “Khách ở quê ra, thấy cái gì cũng tò mò nhưng xem xong lại bạ đâu để đấy, lắm lúc về nhà nhìn như ma trận” – chị Hằng than thở.

Với những sỹ tử tìm đến nhà người quen, ở nhờ vài hôm, không phải vì họ nghèo, không có tiền thuê phòng trọ mà bởi họ có suy nghĩ rất giản đơn là tìm đến người thân, người quen để nhờ cậy. Những khi ấy, họ không nghĩ thói quen của mình làm phiền người khác nên khi đi bao giờ cũng rất hồ hởi, thậm chí còn đùm đúm cả con gà, bao gạo, buồng chuối hay vài cái măng củ,…mang theo, coi như món quà quê để tặng gia chủ.

Có lẽ những dịp như thế này, cả hai bên đều học được những cách sống hay vì có dịp “thử lòng”.

(Theo Vietnamnet)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.