Bình (16 tuổi), học sinh trường THPT Hoàng Diệu, Hà Nội vừa đặt cốc rượu trước mặt bàn vừa nói với mấy ông anh học cùng trường mà cậu gọi là “đại ca”.
Bình tâm sự, từ nhỏ cho đến lớn cậu có cảm giác như mình chỉ là cái bóng của cha mẹ, không bao giờ có thể thoát khỏi sự kiểm soát đến nửa bước. Bình được cha mẹ lo hết mọi công việc từ A đến Z, không để cậu phải bận tâm điều gì, đi học, đi chơi là có giờ quy định và có người đưa đi đón về đàng hoàng. Lúc nhỏ, Bình còn không có vấn đề gì, nhưng càng lớn Bình càng không thể chịu đựng được những “bảng kế hoạch” của bố mẹ. Lịch sinh hoạt của cậu ngày nào cũng giống ngày nào: ngủ dậy, ăn sáng, bố đưa đi học, mẹ mang thức ăn trưa đến, chiều bố đón về, học gia sư ở nhà, xem tivi một lúc, đi ngủ. “Hình như chưa bao giờ khác đi. Em chưa bao giờ được làm những gì mình thích”, Bình thở dài.
Phân tích tình trạng của Bình, chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Anh nhận xét rằng, hiện tại Bình đang rơi vào tâm trạng của sự hoảng loạn, một biểu hiện của chứng trầm cảm, do bị tổn thương tâm lý. Bình vốn dĩ đã bị ức chế với cha mẹ nhưng không thể nói ra được nên rơi vào tâm trạng uất ức, chán nản và buông xuôi, cùng với việc bỏ nhà ra đi, ăn chơi sa đọa, đến lúc dừng lại thì cậu bé không thể nhận ra nơi nào thuộc về mình nữa, vì vậy Bình sẽ cảm thấy mất phương hướng hoàn toàn. Bởi vậy mới dẫn đến tình trạng lầm lì như vậy.
Theo chuyên gia tư vấn Hòa Anh chia sẻ thì Bình không phải là trường hợp hiếm hoi rơi vào tâm lý muốn nổi loạn vì bị cha mẹ nhốt chặt trong lồng kính.
Trang Nhung (19 tuổi), sinh viên năm thứ nhất trường ĐHKH tự nhiên là một ví dụ. Chuyên gia tư vấn Hòa Anh kể rằng, Nhung từ nhỏ đã là niềm tự hào của bố mẹ khi em luôn luôn tỏ ra là một học sinh thông minh, học giỏi. Càng thấy vậy, bố mẹ Nhung càng chăm chút em từng li từng tí một để tạo mọi điều kiện cho em học tập tốt.
Nhung luôn luôn làm hài lòng bố mẹ và thầy cô vì bảng thành tích xuất sắc của mình. Bỗng dưng một buổi sáng gọi mãi không thấy em dậy ăn sáng, thì mẹ mới lên phòng, và phát hiện ra Nhung đang nằm sóng xoài trên đất. Bà hốt hoảng vô cùng, nhưng cũng gọi được cấp cứu đưa em đi bệnh viện.
“Cũng may con bé mua phải thuốc đã quá hạn sử dụng nên chỉ bị ngộ độc, qua rửa ruột là tỉnh lại, nếu không vợ chồng tôi ân hận suốt đời”, mẹ Nhung vừa nhớ lại vừa sụt sịt kể.
“Vì con bé bị vợ chồng tôi thúc ép và lập trình hết mọi công việc sẵn cho cháu nên khiến cháu cảm thấy không được tự do làm những gì mình thích, vậy mà cháu chỉ âm thầm chịu đựng, cũng không nói với chúng tôi một tiếng nào. Tôi thật vô tâm với con mình”, mẹ Nhung nói tiếp. Sau lần tự tử không thành, Nhung rơi vào trạng thái sợ hãi và hoảng loạn nặng nề. Cô bé không có khả năng làm gì khác nữa, vì vậy mà bố mẹ Nhung phải đưa em đến trung tâm tư vấn tâm lý để xin lời khuyên.
Với tình trạng của Nhung hay của Bình thì các chuyên gia tâm lý đều khuyên các bậc cha mẹ đừng ép con vào một khuôn phép theo khuôn mẫu hay ý muốn của chính mình. Hãy để con cái được phát triển một cách “tự do trong khuôn khổ”, và mọi nguyên tắc cha mẹ muốn đặt ra cho con hãy bắt nguồn từ tình yêu thương và sự bao dung. Chuyên gia Hòa Anh khẳng định: “Đừng cố gắng nhốt lồng con mình. Đã qua rất lâu cái thời cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy rồi. Hơn nữa, tuổi teen là tuổi luôn có những ý tưởng nổi loạn, như kiểu con giun xéo lắm cũng quằn. Bởi vậy cha mẹ luôn phải thận trọng khi muốn dạy con bất cứ điều gì”.
T.A
(Theo MaskOnline, afamily)