Cu Bin đã hành động như một người lớn, bởi bé xin lỗi không phải bằng lời nói mà là hành động.
Cu Bin hay giành tivi với mẹ để xem chương trình thiếu nhi, trong khi mẹ lại thích phim Hàn. Hễ mẹ bật kênh đang chiếu phim là con lại với tay lấy thiết bị điều khiển chuyển sang kênh có chương trình ca nhạc thiếu nhi – hoặc hoạt hình, nhưng chỉ xem một lát rồi thôi mà cứ thích tranh với mẹ. Bin bướng thế nên mẹ bực quá làm mặt giận, ngồi im không thèm nhìn con.
Bất ngờ, Bin lặng lẽ bật sang kênh mà mẹ thích xem rồi xích tới gần vòng tay ôm cổ, hôn mẹ. Hành động của con như một lời xin lỗi và mẹ cảm nhận con trai hơn ba tuổi của mẹ lớn hẳn lên.
Cu Bin đã hành động như một người lớn, bởi bé xin lỗi không phải bằng lời nói mà là hành động. Từ đó, tôi tìm cách giúp bé hiểu tại sao lại phải nói lời xin lỗi và xin lỗi khi nào, trong trường hợp nào?
Khi làm tổn thương người khác, bé cần phải nói lời xin lỗi. Nhưng bé chưa thể hiểu được hành động nào của mình đã làm tổn thương người khác. Chẳng hạn, khi Bin cắn một bạn hàng xóm vì cô bé ấy giành đồ chơi làm Bin té ngã… Bin đứng nhìn cô bé khóc mà rất hoảng sợ. Do Bin phản ứng tự nhiên trước thái độ quá “dữ dằn” của cô bé thôi. Biết Bin không cố ý nhưng tôi vẫn hỏi con và dạy con xin lỗi bạn. “Tại sao con cắn bạn? Con thấy mình sai chỗ nào mà khiến bạn khóc? Bây giờ con có xin lỗi cho bạn ấy hết đau không?”. Khi Bin hiểu chuyện, cậu bé bước tới ôm cô bạn và xoa chỗ đau, miệng lẩm bẩm: “Bin xin lỗi, Ti hết đau nha!”.
Tôi không chỉ dạy con cách nói xin lỗi mà còn chỉ ra cho bé thấy những điều không nên làm với bạn.