Ngay hôm rước dâu, thay vì được mẹ chồng đón đưa vào nhà, Lâm Nhi (thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) đã choáng váng trước màn “đạo diễn”: Con dâu vào buồng, khoanh tay mời mẹ chồng ra. Bà thím bảo phong tục như thế để mẹ chồng – con dâu đỡ va chạm.
Có bà hay so sánh nhà bà B, ông C tốt phúc cưới được con dâu giỏi giang có hiếu, tháng nào cũng mua quà cho bố mẹ chồng. Bà đánh tiếng thích cái máy mát xa chân, máy đo huyết áp, rồi có ngày bà ao ước con cái giàu có để được con mời đi du lịch. Có bà thì lo lắng con dâu tiếm quyền nên rủ rỉ bảo con trai đưa tiền cho mẹ giữ, chi phối việc ăn tiêu của cả con dâu. Bà thì giả ốm để con dâu hầu hạ, phục dịch. Có bà “vô tình” để rơi tiền đâu đó để thử sự thật thà của con dâu.
Chị Bích (phường 2, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, chị “choáng” khi nghe mẹ chồng lớn tiếng khuyên con trai: “Vợ như cái áo, rách thì bỏ, sắm cái mới”. Chị cũng sợ cái cảnh, 5 giờ sáng, mẹ chồng chị mở thốc cửa phòng riêng của hai vợ chồng, đi lượn một vòng quanh đầu chị để “tìm mèo”.
Ức chế vì mẹ chồng, chị Bích đâm ra cáu bẳn, bực bội với chồng. Lý giải tâm lý “éo le” của các bà mẹ chồng, bà Lê Thị Tuý – chuyên viên tư vấn Trung tâm Tuổi trẻ, hạnh phúc, cho rằng: Đa số các bà mẹ có tâm lý “sở hữu” con trai, coi con trai như “bảo hiểm” tuổi già của mình. Vì thế, khi con lấy vợ các bà luôn lo lắng, sợ con trai không cần mình nữa. Điều này đặc biệt nặng nề với các bà mẹ đơn thân, góa phụ hay ly hôn. Để kéo con trai lại bên mình, họ thường có thiên hướng chen vào giữa hai vợ chồng con trai.
Vì vậy, theo bà Tuý, cách hoá giải là mẹ chồng thay vì cho rằng con dâu đang chiếm mất con trai, cần phải chấp nhận và cư xử với cô ấy như với một đồng minh cùng yêu thương và săn sóc cậu con trai yêu quý. Còn con dâu nếu có bị mẹ xét nét một chút thì không nên cự nự một cách gay gắt hoặc có thái độ thiếu hợp tác, xa cách.
(Theo DanViet, afamily)