ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Những tấm gương trong gia đình 
Wednesday, June 29, 2011 14:57
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Chẳng thể đổ trách nhiệm cho xã hội phức tạp và khác với xã hội thời chúng ta sống, chẳng thể đổ lỗi cho những bài học giáo dục công dân, cũng chẳng thể chuyển gánh nặng dạy dỗ con cái cho các vị gia sư dù họ được trả lương hậu hĩnh… nếu các bậc cha mẹ nhận thức trách nhiệm nuôi dạy con là của mình; con hư, con không nên người là tại mình, thì ngay từ đầu, chúng ta đã có thể dạy chúng trở thành trẻ tốt bằng cách thay đổi chính mình.

Nuôi con, dạy con, hiểu con không ai bằng cha mẹ. Vậy mà ngày càng có nhiều bậc cha mẹ bất lực không hiểu được con mình. Khoảng cách giữa con cái và cha mẹ trong gia đình có vẻ như đang tăng lên, tỷ lệ thuận với điều kiện kinh tế. Ngay cả những phụ huynh không bị cuốn vào trong vòng xoáy kiếm tiền, việc nuôi dạy con cũng gặp những khó khăn không dễ giải quyết.

Nghịch lý về những điều ước

Trở về từ một học kỳ nghỉ hè đắt giá, quý tử nhà chị H. có vẻ như thay đổi, khiến cả nhà phấp phỏng mừng vui. Cậu bé 16 tuổi bắt đầu dậy sớm, xếp mùng mền gọn ghẽ và ra sân tập thể dục, tưới cây – những việc trước đây chưa bao giờ xảy ra. Thế nhưng nỗi mừng vui của anh chị H. kéo dài được hơn hai tuần thì giảm dần, vì cậu quý tử bắt đầu trở lại như cũ. Đầu tiên là không dậy sớm nữa. Thói quen tập thể dục và tưới cây buổi sáng đã bị “ma mền” quấn trong giường. Tiếp theo là phòng ốc cũng bừa bộn trở lại. Chị H. vẫn giữ mối quan hệ với các bà mẹ trong cùng đợt gửi con vào “học kỳ quý tộc”, nên biết tình hình tương tự cũng xảy ra ở các nhà khác.

Trò chuyện với con là cách mà các nhà tư vấn của chương trình đề nghị với chị. Chị khởi đầu cuộc trò chuyện ấy bằng cách hỏi về những gì con đã trải qua trong mấy tuần tham gia “học kỳ hè”. Thật bất ngờ khi cậu con trai nói: “Hồi xưa ba mẹ sướng hơn con”. Cậu giải thích: “Con chỉ có một thằng bạn thân, mà khi nào mẹ cho phép nó mới tới chơi nhà mình được. Mẹ hồi đó có quá trời bạn trong xóm, muốn chơi với ai thì chơi, có đánh nhau nữa, mà ông ngoại đâu cấm mẹ!”. Còn nữa: “Con muốn trở thành nhà thám hiểm. Ba mẹ chỉ muốn con học nghề y. Con ghét làm việc trong bệnh viện. Con muốn đi xa, muốn thấy cái mới lạ. Bệnh viện có gì vui đâu? Bệnh tật chết chóc rên la suốt ngày. Nhà mình cả ba mẹ đã làm nghề y rồi, đâu cần con nữa!”.

Những tấm gương trong gia đình  - Tin180.com (Ảnh 1)

Ảnh chỉ mang tính minh họa – Ảnh: Phùng Huy

Cha mẹ chị một đời nông dân, bảy đứa con thì sáu đứa tiếp tục phận cày cuốc, cô con gái thứ năm thi đậu trở thành y tá là một niềm hãnh diện của ông bà. Sau này chị lấy chồng là bác sĩ, cả gia đình sống ở thành phố, mỗi lần về quê, hai bên nội ngoại đều hết mực tự hào, cưng chiều thằng cháu. Anh chị phấn đấu cả đời mới có được vị trí xã hội, điều kiện kinh tế tương đối ổn định. Chỉ có một đứa con, nên muốn hướng con theo đường của ba mẹ, để con có thể được thừa hưởng một phần kết quả đó, nhưng chị lờ mờ nhận ra rằng hình như giữa mình và con đang có một khoảng cách quá xa.

Hai mẹ con thống nhất mỗi người một tờ giấy, gạch đầu dòng những điều mình mong ước cho tương lai. Kết quả mẹ có tám điều ước, con có 11 điều, trong đó chỉ có hai điều trùng nhau. Mẹ mong con sớm ổn định công việc, thăng tiến thành đạt trong bệnh viện mẹ đang làm, sống ở thành phố, gần ba mẹ; con mong đi đến những vùng đất xa, thử sức mình trên những ngọn núi tuyết hay sa mạc nóng bỏng. Mẹ mong con tập trung học hành, thi năm đầu tiên đậu vào đại học; con mong muốn tham gia một kỳ đi “phượt”, được tự mình rèn luyện và leo đỉnh Phanxipăng… Trong hai điều ước mẹ con trùng nhau, có một điều khiến chị suy nghĩ: con muốn trở thành người đàn ông tự chủ và sống có trách nhiệm.

Chị treo hai tờ giấy lên một chỗ dễ nhìn thấy nhất trong nhà. Những khi không ngó tới thì thôi, nếu ngó tới, chị bắt mình đọc kỹ những điều ước của con và suy nghĩ về nó. “Cho người ta cái người ta cần, chứ không phải cái mà mình có”, chưa bao giờ chị thấm thía điều ấy như bây giờ, vì hình như vợ chồng chị đang cho con cái mình có, chứ không phải cái con thật sự cần.

Những tấm gương trong gia đình  - Tin180.com (Ảnh 2)

Bữa cơm gia đình bà Vũ Thị Vĩnh (một trong những gương điển hình tiêu biểu) – Ảnh: Phùng Huy

Thực và ảo trong tấm gương

“Sinh con thì dạy thì nuôi. Biết câu phải trái lựa lời khuyên răn…”(Gia huấn ca), nhưng nuôi và dạy con thế nào thì không phải tất cả các bậc cha mẹ đều biết rõ. Nhiều bậc cha mẹ than phiền trong khi sách giáo khoa, phương pháp dạy, phương pháp học trong trường thay đổi xoành xoạch, thì phần dạy làm người chẳng được chú trọng chút nào. Xem kỹ lại, môn học “giáo dục công dân” bắt đầu được dạy từ khi trẻ học lớp 6, có những bài học khá chi tiết, cặn kẽ về bảo vệ môi trường, về quyền trẻ em… nhưng cái bất cập lớn nhất của những bài học này là thiếu tính thực tế, thiếu gần gũi với những gì diễn ra trong cuộc sống thực xung quanh các em hằng ngày. Điều vô lý là trẻ phải học thuộc những điều mà chúng biết là rất ít khi xảy ra trong thực tế, là không có thật, từ đó, niềm tin vào những bài học giảm sút dần.

Trẻ con chịu ảnh hưởng từ cha mẹ. Đối với những bậc cha mẹ có những thành công nhất định trong cuộc sống, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đối nhân xử thế của họ chính là những bài học để dạy con. Một cách tự nhiên, cha mẹ trở thành những tấm gương cho con trẻ trong nhà. Khi tấm gương không chuẩn mực, không trung thực, hình ảnh soi trong gương sẽ bị méo mó biến dạng theo. Trong cuộc mải mê kiếm tiền, mánh mung làm ăn… giữ cho trọn vẹn nhân cách con người không phải dễ. Bởi vậy, cũng dễ hiểu khi các bậc cha mẹ càng mê mải lao vào cuộc kiếm tiền, khi kinh tế càng khá giả càng khó dạy con.

Muốn con cái là người thế nào, trước tiên cha mẹ phải là người như vậy. Một ông bố bảo con “ra nói là ba không có nhà”, cần phải nhận ra mình đang dạy con bài học nói dối, cần phải nhận ra mình sẽ rất khó yêu cầu con phải trung thực với mình. Một người mẹ nói với con: “ba mày làm gì ra tiền, tối ngày nhậu nhẹt vô tích sự, chỉ có tao trần thân ra làm mà thôi!”, cần nhận ra mình đang dạy con coi thường cha và nghi ngờ mẹ, đang phá hủy niềm tin vào sự yên ấm, an toàn của gia đình.

Làm gương cho con là việc khó, càng khó hơn khi con trẻ ngày một lớn, những đòi hỏi “soi gương” của chúng ngày một phức tạp hơn. Nếu hiểu được điều này, cha mẹ sẽ chọn “làm gương” ở những việc thuộc loại cơ bản, nền tảng, mang tính chất xây dựng tính cách và tâm hồn cho trẻ, chứ không phải “làm gương” ở việc kiếm nhiều tiền, thành đạt thăng quan tiến chức hay chọn nghề theo gương mình. Mỗi thế hệ có những phương cách, những đường đi khác nhau để đạt tới mục tiêu của đời mình, nhưng những giá trị cơ bản: lòng trung thực, lòng biết ơn, niềm say mê học tập, lòng tín nghĩa… là không thay đổi. Hãy để tấm gương của cha mẹ giúp trẻ soi được những giá trị cơ bản ấy.

Chẳng thể đổ trách nhiệm cho xã hội phức tạp và khác với xã hội thời chúng ta sống, chẳng thể đổ lỗi cho những bài học giáo dục công dân, cũng chẳng thể chuyển gánh nặng dạy dỗ con cái cho các vị gia sư dù họ được trả lương hậu hĩnh… Nếu các bậc cha mẹ nhận thức trách nhiệm nuôi dạy con là của mình, con hư, con không nên người là tại mình, thì ngay từ đầu, chúng ta đã có thể dạy chúng trở thành trẻ tốt bằng cách thay đổi chính mình. Con cái phải là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hạn mà mỗi cá nhân tự lập trình cho bản thân mình, không phải chỉ riêng ở việc có con, mà còn ở cả việc dạy con trở thành người. Dân gian khuyên răn nhắc nhủ người mẹ từ khi mới bắt đầu mang thai: “Bỏ con vô dạ, mạ đi tu” – từ lúc có con trong bụng, người mẹ phải cẩn thận tu dưỡng tính tình, lời ăn tiếng nói, mọi việc đều phải giữ phép tắc như thể “đi tu” vậy.

Và một điều quan trọng nữa là: trẻ con có quyền sai, có quyền phạm lỗi. Những lỗi lầm chúng phạm phải, phần lớn là lẽ tất nhiên trên con đường trưởng thành. Cha mẹ ở đó để sửa lỗi cho con, chứ không hẳn là người quyết liệt ngăn cấm trẻ phạm lỗi, hay rầy la khắc nghiệt khi trẻ phạm lỗi. Một lúc nào đó khi con chưa được như mình mong muốn, hay khi những mong muốn của mình và con quá khác xa nhau, hãy nghĩ: không nghiêm trọng lắm đâu, ngày mai, nếu thực sự cố gắng, cả mình và con đều có thể thay đổi…

Hoàng Mai
(theo phunuonline)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.