Nhân sâm là 1 trong 4 loại thuốc quý (Sâm – Nhung – Quế – Phụ) của Đông y từ hàng ngàn năm trước. Ngày nay Y học hiện đại đã có nhiều công trình nghiên cứu xác nhận nhiều tác dụng quý giá của nhân sâm.
Tên khoa học: Panax ginseng C.A. Mey. Họ Nhân sâm (Araliacae).
Tên khác: Sâm Cao ly.
Là thổ sản (mọc hoang và trồng) của: Cao Ly (nay là CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc), Trung Quốc (2 tỉnh miền Đông Bắc: Liêu Ninh và Cát Lâm), Liên bangNga (miền Viễn Đông) nhưng trên thị trường thế giới người ta chỉ chuộng nhân sâm có xuất xứ từ CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, có tên chung là Cao Ly sâm.
Trong Y văn cổ của Đông y có câu chuyện: “Phúc thống phục nhân sâm… tắc tử”. Kể về trường hợp một thầy thuốc khi tra sách thấy ghi đoạn trên ở cuối trang đã vội dùng nhân sâm cho người bệnh đau bụng, uống thuốc xong sau 30 phút thì tử vong. Ông ta lại giở sách để tra cứu, đọc tiếp trang sau có chữ “ắt chết”. Như vậy sách cổ chỉ ghi 1 trường hợp: đau bụng uống nhân sâm… ắt chết.
Trên thị trường nước ta ngày nay nhân sâm không còn là loại thuốc khó kiếm mà cứ có tiền là mua được ngay (phần lớn là Cát Lâm sâm của Trung Quốc). Nhiều người không đến thầy thuốc bắt mạch kê đơn mà cứ ra hiệu thuốc mua nhân sâm về dùng, vì cứ tưởng rằng nhân sâm là thuốc đại bổ ai cũng dùng được.
Người viết bài này 37 năm trước cũng chỉ biết một trường hợp không được dùng nhân sâm nói trên. Khi ấy nhân sâm Triều Tiên là loại thuốc phân phối cho cán bộ có tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe, mỗi phiếu được mua 10g sâm củ. Thấy vợ đau đẻ đã 2 ngày mà chưa đẻ được, đã đưa 3 lát nhân sâm Triều Tiên (2g/lát) cho ngậm để lấy sức, kết quả là: sau đó bị đờ tử cung (tử cung không co bóp được) phải cấp cứu kéo thai nhi bằng phoócsep.
Để đảm bảo cho người dùng thuốc được an toàn, hiệu quả, chúng tôi tóm tắt các trường hợp không được dùng nhâm sâm độc vị: chỉ có nhân sâm, không có chất khác, ví dụ: chè nhân sâm gói 3g của Hàn Quốc, các loại sâm củ gồm bạch sâm, hồng sâm…
Những trường hợp dưới đây :
1. Người khỏe mạnh bình thường.
2. Phụ nữ mang thai.
3. Trẻ em (từ mới đẻ đến 14 tuổi) .
4. Người đang bị táo bón.
5. Viêm loét dạ dày, đau dạ dày.
6. Đau bụng do hàn.
7. Rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, đầy bụng, trướng bụng).
8. Viêm ruột.
9. Viêm gan.
10. Viêm túi mật, sỏi mật.
11. Nấc.
12. Tiêu chảy.
13. Ho ra máu.
14. Giãn phế quản.
15. Viêm phế quản.
16. Lao phổi.
17. Ngoại cảm (phong hàn, phong nhiệt, phong ôn).
19. Xơ mỡ động mạch.
20. Bệnh tự miễn (vẩy nến, viêm khớp phong thấp, luput ban đỏ, cứng bì…).
21. Người đang dùng thuốc chống huyết khối (warfarin…).
22. Người bị di tinh, xuất tinh sớm.
Các thứ cấm dùng khi uống thuốc có nhân sâm:
Củ cải (các loại trắng, đỏ); Đậu đen; nước chè (trà); các loại hải sản. Một số thầy thuốc Đông y khám bệnh kê đơn cho người bệnh, trong đơn thuốc có vị nhân sâm, nhưng lại quên không dặn phải kiêng các thứ nêu trên trong thời gian dùng thuốc, làm cho nhân sâm mất tác dụng.
Giải độc nhân sâm: cho nạn nhân ăn củ cải đồ chín hoặc giã nát củ cải rồi nấu chín với 1 ít nước (200g củ cải tươi + 100ml nước) cho ăn.
Chỉ dùng nhân sâm sau khi được thầy thuốc bắt mạch kê đơn và nhớ các thứ cấm dùng khi uống thuốc có nhân sâm.
Không dùng nhân sâm sau khi ăn và buổi tối.
DS. Trần Xuân Thuyết
(theo thuocnam)