Chiến thắng nỗi đau
Lĩnh và bố mình bên bức tranh “Mùa chim làm tổ” vừa đoạt giải.
|
Lê Quang Lĩnh (SN 1986) ở phường Trần Phú, TP.Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ phải chạy ăn từng bữa. Năm lên 1 tuổi, Lĩnh bị một cơn bạo bệnh, gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng cũng chỉ cứu được mạng sống của em, còn chân tay không thể cử động được nữa. Căn bệnh càng trở nên quái ác hơn khi Lĩnh bước sang tuổi thứ 5, chân tay co lại, miệng bị méo xệch. Lĩnh kể lại trong nước mắt: “Mỗi sáng ngồi trên xe lăn nhìn các bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường, lòng em lại dâng trào thèm khát. Em ước mình được như các bạn thì hạnh phúc biết mấy”.
Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 5m2 với đủ thứ giấy, bút màu và một “kho tàng” ước mơ thổi vào những bức tranh, Lê Quang Lĩnh không bao giờ hết ý chí vươn lên khi có bà ngoại bên cạnh – người hơn 20 năm qua giúp em biết ước mơ và tin vào tương lai phía trước. Lĩnh kể: Gia đình Lĩnh có 3 anh em, Lĩnh là anh cả. Trong cuộc sống bố mẹ đối xử với 3 anh em rất công bằng, và cho 3 anh em cơ hội như nhau. Vì bị tật nên Lĩnh đi học muộn hơn các bạn cùng tuổi, học đến lớp 5 em đành phải nghỉ học vì trường ở xa. Ở nhà, bà ngoại là người gần gũi giúp em có “ước mơ” sống vươn lên bằng niềm vui vẽ tranh. Lĩnh đã tìm thấy chính mình trong đó, thể hiện mọi thứ vào tranh để mọi người có thể hiểu mong muốn của mình.
Lĩnh từng tham gia nhiều cuộc thi vẽ tranh và giải thưởng mà Lĩnh thấy hạnh phúc nhất là giải nhất cuộc thi “ALAXAN – Chiến thắng nỗi đau”. Đó là tác phẩm “Mùa chim làm tổ”- bức tranh được vẽ với thể loại dân gian. Dù không phải do chất độc da cam gây ra nhưng em rất hiểu và cảm thông với họ. Vì vậy mà Lĩnh đã vẽ rất nhiều bức tranh về chủ đề chất độc da cam và cuộc sống tươi hồng phía trước. Những bức tranh gửi gắm ước mơ một ngày những nạn nhân chất độc da cam có thể tụ họp bên nhau, cùng chia sẻ, cùng cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Mong ước giản dị
Lĩnh bị tàn tật mà gia đình lại không có điều kiện nên em không được học vẽ bài bản. Vì thương Lĩnh, bà ngoại và người thân trong gia đình phải cố gắng lắm mới gom được một số tiền nhỏ mua cho Lĩnh chiếc máy vi tính nối mạng Internet để em có thể thực hiện một cuộc triển lãm tranh. Lĩnh chia sẻ: Sống mỗi người có một nỗi đau riêng. Tôi từ nhỏ đã bị tàn tật dù không phải do chiến tranh gây ra.
Thế nhưng tôi rất hiểu nỗi đau của những người bị chất độc da cam. Đó là ánh mắt kỳ thị của những người đi qua, đó là cảm giác không thể làm việc mà mình muốn, đó là nước mắt của cha mẹ và những người thân khi nhìn thấy con mình tật nguyền… vì thế tôi đã vẽ những bức tranh về trẻ em bị chất độc da cam.
Những bức tranh ấy không chỉ thể hiện nỗi đau của các em mà còn là sự phấn đấu vươn lên để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy tôi rất muốn tổ chức một cuộc triển lãm khoảng 30 tác phẩm về chủ đề này để mọi người hiểu, đồng cảm với các em. Để tổ chức được thành công cuộc triển lãm này ngoài nghị lực đi tới đích của Lĩnh còn rất cần những tấm lòng của các nhà hảo tâm hỗ trợ , giúp đỡ.
(theo danviet)