Anh chị đều là người ở quê ra phố học. Khi lấy nhau, anh chị không một tấc đất cắm dùi, phải ở nhà tập thể. Anh tốt nghiệp đại học, chưa có việc làm. Chị là giáo viên tiểu học đồng lương có hạn, nên khi có con, gia đình càng khốn khó. Tuy vậy, vốn đảm đang nên ngoài giờ dạy trên lớp, chị làm thêm đủ nghề để kiếm sống, vợ chồng cùng nhau vượt qua khó khăn. Mặt khác, chị cũng không quên bổn phận với nhà chồng, có việc gì cũng hăng hái giúp đỡ.
Quê anh nghèo, nhà lại đông anh em, đều làng nhàng như nhau nên cái nghèo cứ quấn lấy quanh năm. Mỗi khi về quê chồng, không nhiều thì ít, vợ chồng chị đều phải lo cho các em. Mà chuyện đời kể cũng lạ! Khi anh trai còn thất nghiệp thì sự trợ giúp của chị dâu, dù chỉ một chút quà mọn cũng đáng quý vô cùng. Nhưng khi anh trai đã kiếm được tiền, nắm “quyền sinh quyền sát” trong tay, thì bà chị dâu lại chẳng còn “gram” nào! Những đứa em đói khổ ngày nào được chị dâu chăm chút, nay mỗi lần đến nhà anh chị cứ tự coi mình như là “thượng khách”. Vì là “khách” nên chị phải lo chợ búa cơm nước. Nấu nướng xong gọi “cô” hay “chú” xuống ăn cũng còn khó! Khi xuống ăn, lại còn chê bai ăn không hợp, không ngon. Phần thương em, phần “sĩ” với em nên anh trai đưa ngay các em đi ăn tiệm, bỏ cả bữa cơm mà chị dâu đã đổ công đổ sức ra để nấu. Mâu thuẫn chị dâu em chồng ngày càng nặng nề. Cô em gái đỏng đảnh của anh mỗi lần vào thành phố còn không thèm ghé nhà anh chị mà đi thuê khách sạn ở (dĩ nhiên do anh chi tiền). Thật khổ cho anh vì phải lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Làm anh, không thể không lo cho em, nhưng là chồng, anh cũng không thể phủ nhận công lao và cái tình của vợ đối với các em. Vì vậy, mỗi lần có khách ở quê ra là nhà anh chị thế nào cũng có chuyện lục đục…
Chuyện tưởng nhỏ nhưng kéo dài lại hóa chuyện lớn, bây giờ nhà chồng có việc gì chị cũng không thèm tham gia và ngược lại các em của anh không còn thoải mái đến nhà anh chị như trước nữa. Ngay cả thằng cháu con cô em gái, anh đưa từ quê vào nuôi ăn học, cũng phải ở nội trú trong trường. Lâu lâu nó về nhà cậu chơi, cậu cháu lại dẫn nhau ra quán ăn chứ ăn ở nhà thì ngại… mợ! Trong hoàn cảnh của gia đình anh chị, đồng tiền đã không còn “là tiên, là Phật” nữa mà là mầm họa. Giá như anh không phải là người kiếm được nhiều tiền đến mức các em của anh coi đó là thứ “bảo bối”, rồi đối xử với chị dâu của mình không ra gì, thì có lẽ đại gia đình của anh sẽ giữ được cảnh trong ấm ngoài êm, anh cũng không phải bạc tóc khó xử nữa. Nhưng, điều đó có phải là do lỗi của “đồng tiền” hay vì con người chúng ta không biết cách cư xử với nhau?
ChàngXuân
(theo phunuonline)