Từ hàng nghìn tấm ảnh và những vật dụng vô tri, vô giác, những sinh viên trẻ đã đầy công phu tạo ra những thước phim vô cùng đặc sắc. Stop Motion là dạng phim hoạt hình chỉ dành cho những bạn trẻ kiên nhẫn và thích khám phá.
Sáng tạo – đó là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cho thể loại phim Stop Motion, một thể loại còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Từ năm 2009, Stop Motion đã được cộng đồng đam mê đồ họa yêu thích và ngày càng được giới sinh viên 9X “ưu ái” cho việc thể hiện những ý tưởng độc đáo.
Một thể loại phim đầy sáng tạo
Stop Motion là một dạng phim hoạt hình, nó đem lại sự chuyển động cho những vật vô tri vô giác. Nếu phim hoạt hình bình thường dựa trên các bản vẽ thì Stop Motion cho phép người sử dụng thỏa sức sáng tạo với bất kỳ đồ vật nào. Từ hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh (ở trạng thái tĩnh) xâu chuỗi tạo nên một đoạn phim (ở trạng thái động) sẽ để lại nhiều ấn tượng cho người xem.
Với sự thú vị rất riêng ấy, trong những cuộc thi phim ảnh dành cho sinh viên, nhiều bạn trẻ đã chọn Stop Motion như một nét phá cách. Cuối năm 2009, tại Liên hoan phim sinh viên lần 1 của trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, nhóm làm phim SleepingCatFilm của bạn Huỳnh Thanh Thanh và Phạm Phương Anh (cả hai là sinh viên năm 2 khoa Báo chí & Truyền thông) đã giành giải Nhất với phim Hành trình xanh. Gần đây, nhóm cũng vừa đăng tải trên Youtube bộ phim Xin chào Bút chì, tác phẩm tham dự Plural+, một cuộc thi sáng tạo lấy chủ đề di dân, hội nhập đa sắc tộc. Nhóm đang chờ kết quả từ Mỹ vào tháng 8 tới.
[flashvideo file=http://media.tin180.com/uploads/2011/07/YouTube_-_Say_Hi_to_Pencil_-_Xin_ch_o_B_t_Ch_HD.flv&image=http://beforeitsnews.com/vietnamese/wp-content/blogs.dir/11/files/2011/07/Sinh-vien-Sai-thanh-va-thu-lam-phim-tu-anh-chup_Tin180.com_003.jpg /]
Phim Xin chào bút chì của nhóm Huỳnh Thanh Thanh – Phạm Phương Anh được gửi đi dự giải Plural+ tại Mỹ
Năm 2009, bạn Trần Huyền Trang (sinh viên năm 3 cùng trường) đạt giải Nhất với phim Một lúc trong cuộc thi Sinh viên đồng hành cùng Pháp Luật. Vừa qua, tại cuộc thi Sinh viên với môi trường do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, Huyền Trang lần nữa khẳng định tài năng với giải Nhì phim Chung tay.
Nhóm làm phim của Trần Huyền Trang |
Giải thích nguyên nhân chọn Stop Motion, các bạn trẻ này chia sẻ: “Việc chuyển tải thông điệp sẽ tự nhiên, nhẹ nhàng. Ngoài ra, Stop Motion là thế mạnh cho con gái làm phim, nó đòi hỏi sự khéo tay và tính thẩm mỹ”.
Còn theo Trần Huyền Trang: “Vì nói đến tuyên truyền thì thường khô khan, khó khiến người khác nhớ lâu, ấn tượng hoặc ít nhất là chú ý, chọn Stop Motion, với những đặc thù của thể loại sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tuyên truyền”.
Công phu trong từng giai đoạn thực hiện
Stop Motion cho phép người sử dụng thể hiện những thứ không thể quay (diễn) được hay những ý tưởng táo bạo. Ngoài sự sáng tạo, nó đòi hỏi rất cao tính kiên nhẫn, cần cù và sự phối hợp nhịp nhàng của ekip. Trung bình một shot hình trong Stop Motion là khoảng 40 tấm, cần rất nhiều hình mới ghép lại thành phim, từng shot phải khéo léo, không được rung máy, thay đổi xê dịch máy. Những nhân vật thì không đứng vững lắm, có thể đổ bất cứ lúc nào. Để phim được hoàn hảo phải hòa hợp cả hai yếu tố trên, hư cái nào phải chụp làm lại từ đầu, rất cực khổ”.
“Khi dựng phim, mọi thứ đều do mình tự tạo, nặn đất sét, tô màu, đem đi sấy, vẽ background, dựng dòng sông… Mỗi tấm ảnh là một sự chuyển dịch, phải đảm bảo cho tất cả sự vật, hiện tượng trong hiện trường có sự chuyển động và nó phải từ từ, từng tí một thì khi ghép lại đoạn băng ít bị giật hình” – Trang chia sẻ.
[flashvideo file=http://media.tin180.com/uploads/2011/07/YouTube_-_Chung_tay.flv&image=http://beforeitsnews.com/vietnamese/doisong/files/2011/07/tin180.com_16.jpg /]
Phim Chung tay do nhóm làm phim của Trần Huyền Trang thực hiện
Trang cho biết nhóm của cô mất 2 ngày để hoàn thành một phim dài hơn 1 phút. Quá trình thực hiện kỳ công và tốn nhiều sức lực, nhưng khi hoàn thành sản phẩm, được sự ủng hộ từ bạn bè, nhất là sự đánh giá cao của Ban giám khảo, Trang thấy rất vui và tự hào. Còn với Thanh Thanh và Phương Anh, chỉ thực hiện trong 3 ngày và ngủ được 4 tiếng/ngày nhưng sự đón nhận nhiệt tình của khán giả, nhất là giới trẻ ngay khi phim vừa đăng tải trên Youtube, đã xua đi tất cả mỏi mệt của 2 cô bạn cực kỳ đáng yêu này.
Những nhân vật được tạo hình ngộ nghĩnh và công phu trong một bộ phim dạng Stop Motion |
Làm phim là một đam mê của những bạn trẻ này, Trang chia sẻ: “Làm phim cũng là một trong những cách thực hành kĩ năng học được nên có thể nói làm phim và việc học bổ trợ cho nhau”.
Dù có nhiều khó khăn nhất định, Stop Motion vẫn là sự lựa chọn để thể hiện sự độc đáo và khả năng sáng tạo của giới trẻ. Trong tương lai, khi được hỏi về dự định làm phim, SleepingCatFilm và Huyền Trang đều tin tưởng sẽ “ưu ái” Stop Motion cho việc thể hiện sức sáng tạo với những ý tưởng độc đáo.
Trâm Anh – Đặng Sinh
(Theo Bưu Điện Việt Nam)