Hồi còn cưa cẩm, có con muỗi nào đốt mình xã cũng đuổi nó đi mà không đánh, sợ làm mình đau, nó đốt vào tay thành nốt còn “lợi dụng” thơm vào tay mình cho mau lành. Mình mà bị xứt xát gì cũng lộ vẻ xót xa lắm.
Giờ thì, hôm mình mải đi nên vấp phải cái gờ bậc thấp thấp, không ngã nhưng hơi hẫng, xã cười: “Chân em cũng có mắt (cá chân) mà lại không thấy đường à? Hay do dây thần kinh chưa xuống đến chân nên không điều khiển được?”, mình nghe mà phì cười, lại thấy ức anh ách.
Đã ngang còn chây ì ra nên mình gọi là cua lười. Mình vốn bị xoang nên cứ có mùi lạ như quần áo ẩm mốc và nhất là mùi nhà vệ sinh, nhà tắm vài ngày không cọ cạy là bứt rứt, khó chịu vô cùng. Làm mãi rồi, một hôm mình dịu dàng nhờ xã cọ giùm (lịch sự thì nhờ thế, chứ thực ra tần suất hai đứa sử dụng như nhau kia mà) ấy thế mà tên “cua lười” ấy nhăn nhở: “Nam nhi đại trượng phu ai lại làm thế, mất hết hình tượng”, rồi lão gợi ý hôm nào gọi cô đồng nát vào, cho cô ấy ít đồ rồi nhờ dọn hộ cho.
Tối xã ôm mình, nhưng cứ nghĩ đến cái toa lét không như ý, mình tức khí dậy cọ, xong xuôi đi vào xã còn giơ đồng hồ lên te nhe: “Đấy, mất chưa đến năm phút!” mình nghiến răng kèn kẹt, đi ngủ rồi mà vẫn tức.
Được hôm bố mình qua chơi, có ở lại ăn cơm, lão bỗng xông xáo đi rửa bát. Làm mình tròn xoe mắt và khiến bố mình gật gù mãi! Lúc bố về, xã bảo: “Đơn giản thế thôi mà em cứ bắt anh làm. Đấy, anh làm mẫu thôi, từ sau em cứ thế mà học theo”. Thế là xã được cả tiếng lẫn miếng.
Cưới xong được khoảng bốn tháng, mình bị quai bị rồi bị ốm, mệt không nhúc nhắc được tay chân, trong nhà chẳng còn cái bát nào, hẳn là lười không muốn đi mua bát nên xã mới đành lòng, ngậm ngùi đi rửa bát. Xã kiến nghị, có lẽ nhà mình nên ăn bát giấy dùng một lần, trong lúc chưa mua được máy rửa bát.
Cũng vì mình mệt quá nên xã mới không đề nghị ra quán ăn chứ không thì lại bài ca quán xá.
Mình không than thở được với ai vì há miệng mắc quai, ai cũng ngưỡng mộ, thán phục mình vì có người yêu giờ là chồng hết mực yêu thương và tâm lý. Giờ mà kể thì xấu chàng, hổ ai? Thế là stress.
Đang chưa biết phải đối phó ra sao, đùng một cái, tin vui bay đến phơi phới khi mình phát hiện ra “hai vạch”. Ban đầu còn bủn rủn chân tay, run run gọi điện cho chồng dù trước đó nửa tiếng xã đã nhắn hôm nay về muộn. Đang tiếp khách thế mà mười phút sau đã có mặt ở nhà hùng hổ: “Nhân chứng, vật chứng đâu?”
Mình như nhìn rõ các cơ mặt của xã giãn dần ra, vẻ xúc động vô cùng, xã đứng sững một phút, rồi hôn mình chíu chít.
Kể từ đó nhà mình cho “cua lười” lên đường và kết nạp một tên “đầy tớ” rất chịu khó chăm sóc bà mẹ trẻ em. Cứ tối đến là bóp chân, xoa lưng và bê một mâm hoa quả, bánh trái, thức ăn lên phục vụ, sợ đêm “bà chủ” bị đói.
Thi thoảng xã ghé tai vào bụng vợ nghe ngóng, mình cười: “Anh phải chịu khó nói chuyện với con”. Xã lại áp tai vào rồi nói: “Bố đây, alô, alô, nghe rõ trả lời” mà buồn cười không chịu nổi.
Mình như được trở lại thời kỳ hẹn hò, được cưng nựng, nâng niu, hai mẹ con được bố chăm lo chu đáo, chẳng còn bị đùn đẩy việc như trước. Trách nhiệm bỗng găm đầy mình xã, vợ chỉ việc ới một câu là sẵn sàng làm hết. Mình trở nên tin tưởng ở lời hứa hẹn của chồng trước kia: “Em chỉ việc ăn với đẻ thôi, con để anh chăm”.
Cục diện tạm thời thay đổi. Xã đã ý thức được việc phải chia sẻ giai đoạn chửa đẻ cùng vợ. Mình đang tính, cứ thế này mang bầu liên tục cũng được!
Nhi Phúc
(theo dantri)