Theo Tiến sĩ Y khoa Hoàng Lam Dương, BV Y học Cổ truyền Trung ương, trong điều trị ung thư, ngoài những thuốc đặc trị, có thể sử dụng thêm tam thất.
Cùng với những nhân sâm, linh chi… tam thất cũng được coi là một vị thuốc quý. Do có sự phổ biến rộng rãi, nên nhiều người dùng đã coi tam thất như một vị “thuốc tiên”, có thể trị được nhiều bệnh, ngay cả đối với căn bệnh ung thư…
Phong trào dùng tam thất
Củ tam thất có hình thoi, hoặc hình con quay, không phân nhánh, đầu sần sùi thành những mấu. Vỏ ngoài của tam thất có mầu xám hoặc xám đen, nhưng sau khi sơ chế, tam thất chuyển sang mầu đen. Mùi tam thất nhẹ nhàng, nhưng vị có phần hơi đắng. Bên cạnh đó tam thất có vị hơi ngọt và để lại dư vị đặc trưng của nhân sâm.
Như ta đã biết, tam thất thuộc vào dòng nhân sâm nên có tác dụng bổ, song lại có phần khác với nhân sâm là tam thất lại theo hướng tác dụng vào phần âm huyết là chính. Trên thực tế, tam thất được sử dụng rất đa dạng. Việc dùng tam thất trị ung thư cũng đang trở thành phong trào trong các bệnh nhân.
Chị Trần Thị Miều, trú tại phố Hoàng Mai, là một người đã “sống chung” với căn bệnh u xơ tử cung nhiều năm nay. Đến giai đoạn điều trị, chị đã nhờ đến tam thất, với hy vọng bệnh tình của mình sẽ thuyên giảm ít nhiều. “Tôi đã sử dụng tam thất trong vòng vài năm trở lại đây. Ngày đó giá tam thất rẻ hơn bây giờ khoảng 50-60 nghìn đồng. Có lẽ do công dụng của tam thất khá phổ biến, nên nhiều người dùng hơn, dẫn đến việc giá tam thấp cứ tiếp tục “leo thang” – chị Miều thổ lộ.
Tham khảo giá tại phòng khám Đông y gia truyền Hồng Phúc Đường, số 2A Thể Giao, lương y Hoàng Gia Trí giới thiệu: Hiện, tam thất thường được chia làm 2 loại. Loại 1 là loại 1 lạng có khoảng 7 củ tam thất to, có giá khoảng 200 nghìn đồng/lạng. Loại 2 gồm 10 củ tam thất nhỏ hơn, có giá 180 nghìn đồng/lạng.
Khi được hỏi sự khác biệt về chất lượng của 2 loại tam thất, ông Trí cho biết: Hai loại tam thất trên đều có công dụng và chất lượng như nhau. Có chăng sự khác biệt là loại 2 gồm những củ tam thất nhỏ hơn. Cũng đang có mặt tại cửa hàng, chị Vân Anh ở tập thể Khương Thượng, tuy không mắc bệnh ung thư, nhưng do được nghe nhiều người “khuyên bảo”, chị cũng tìm đến vị đắng của tam thất: Thật ra khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, cơ thể tôi hoàn toàn bình thường. Nhưng một vài người bạn khuyên tôi nên dùng tam thất để đề phòng ngừa ung thư, tôi cũng dùng thử. Dùng lâu nên thành quen, nếu bây giờ không sử dụng, tôi cũng thấy thiếu tự tin về sức khỏe của mình.”
Còn anh Ngọc Anh, trú tại phố Trần Khát Chân, Hà Nội là một bệnh nhân của căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến, cũng được bạn bè giới thiệu, anh đã sử dụng tam thất nhiều năm nay. Ngoài dùng tam thất, anh Ngọc Anh vẫn phải nhờ tới những phương pháp điều trị khác như xạ trị, hóa trị… Anh cho rằng: Nếu chỉ dùng tam thất, chắc bệnh tình của tôi cũng không khá hơn. Tôi vẫn phải kết hợp những phương pháp điều trị khác.
Tam thất hỗ trợ điều trị ung thư
Sau một thời gian điều trị với tam thất, bệnh tình của chị Miều không nặng hơn mà cũng chẳng thuyên giảm. “Tôi vẫn đi kiểm tra sức khỏe đều đặn, đặc biệt là khối u. Sau một thời gian dài dùng tam thất, khối u của tôi không phát triển, nhưng cũng không tiêu dần như lời mấy bác dược sĩ đã nói.
Nếu ngưng sử dụng tam thất một thời gian, thì khối u có hiện tượng phát triển trở lại.” – Chị Miều cho biết. Hiện nay căn bệnh u xơ tử cung là “ác mộng” đối với nhiều chị em phụ nữ. Việc chị Miều và chị Vân Anh sử dùng tam thất để phòng ngừa và ngăn chặn những khối u là một việc làm cần thiết.
Theo Tiến sĩ Y khoa Hoàng Lam Dương, bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương khuyến cáo: Trong điều trị căn bệnh ung thư, ngoài những thuốc đặc trị, có thể sử dụng thêm tam thất. Thông thường, người mắc bệnh ung thư vẫn phải được điều trị bằng xạ trị hay hóa trị…
Điều trị kết hợp với tam thất sẽ tăng tính nhạy cảm của mô ung thư, từ đó có thể sử dụng ít hơn thuốc đặc trị, như vậy sẽ ít gây độc hại hơn cho người bệnh. Nhưng nhấn mạnh rằng tam thất cũng không thể thay thế hoàn toàn thuốc đặc trị ung thư.
Hiện chưa thực sự có một công trình nghiên cứu mang tính thuyết phục trên lâm sàng điều trị ung thư. Nhưng những kết quả khả quan có thể cho chúng ta những định hướng nghiên cứu tích cực. Ví dụ như phối hợp đa phương tiện trị liệu, vừa phẫu thuật, vừa dùng xạ trị, hóa trị, dùng thuốc đông y, hoặc dùng thuốc đông y để giải quyết những tác dụng phụ mà hóa trị và xạ trị gây ra.
Vì vậy, đông y nói chung và tam thất nói riêng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư là có cơ sở khoa học. Nhưng trong thời điểm này, không nên phóng đại tác dụng của nó, dẫn đến người bệnh lúng túng, hoang mang trong điều trị. Để đạt được kết quả tốt nhất trong điều trị bệnh ung thư, bệnh nhân nên tìm đến các bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời, bên cạnh đó nên tham khảo thêm ý kiến của những bác sĩ đông y để có thể điều trị kết hợp.
(Theo alobacsi)