Trong vòng vài thập kỷ nữa, có thể những cơn bão trên mặt trời sẽ đủ mạnh để gây thiệt hại cho máy bay và phi thuyền.
Một bức ảnh trái đất và mặt trời được chụp từ vệ tinh nhân tạo. Ảnh: blogspot.com. |
BBC đưa tin các nhà khoa học của Đại học Reading tại Anh nghiên cứu các lõi băng và thân cây có niên đại khoảng 10 nghìn năm để tìm hiểu lượng bức xạ mà trái đất nhận từ mặt trời trong quá khứ. Họ đo nồng độ các chất có gốc nitrat (NO3) trong lõi băng và thân cây.
“Mật độ các chất có gốc nitrat nói lên nhiều điều về các vụ bùng nổ trên mặt trời”, giáo sư Mike Lookwood, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Nhóm chuyên gia cũng đo nồng độ các nguyên tố đồng vị hiếm trong băng và thân cây. Những nguyên tố đó được tạo nên bởi bức xạ vũ trụ trước khi lao xuống trái đất. Mật độ của chúng giúp các nhà khoa học đánh giá sức mạnh của bão mặt trời.
Kết quả phân tích cho thấy phần lớn bức xạ mặt trời tới trái đất trong những giai đoạn mà mặt trời hoạt động ở mức trung bình. Tuy số lượng bão mặt trời giảm sau giai đoạn đỉnh cao, song chúng lại trở nên mạnh hơn, nhanh hơn và mang theo nhiều hạt mang điện tích hơn trong giai đoạn trung bình.
Sự tăng lên của bức xạ mặt trời có thể gây nên nhiều vấn đề đối với hoạt động hàng không và viễn thông.
Lookwood nói rằng trong vài thập kỷ tới những vụ bùng nổ trên bầu khí quyển mặt trời sẽ đủ mạnh để gây thiệt hại cho phi cơ và tàu vũ trụ. Vấn đề mà giới nghiên cứu nên tập trung tìm hiểu là mức độ tồi tệ của những vụ bùng nổ và thời gian chúng diễn ra.
Bão mặt trời là những vụ bùng nổ trên tầng thượng quyển của mặt trời. Chúng mang theo những hạt electron và proton ở mức năng lượng cao. Những hạt này có khả năng thoát ra khỏi lực hấp dẫn của mặt trời.
Hoạt động của mặt trời tăng và giảm theo một chu kỳ kéo dài hơn 11 năm. Chu kỳ hiện nay của mặt trời bắt đầu từ năm 2008 và sẽ hoạt động của nó sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2013.
Sự suy giảm số lượng bão mặt trời tạo điều kiện cho bức xạ từ các vùng khác trong dải Ngân Hà tiến vào Thái Dương Hệ.
Minh Long
(Theo vnexpress)