Du thuyền trên mặt hồ bao la in bóng núi đá, mây trời, mang đến cho du khách cảm giác “muốn ở đây thôi chẳng muốn về”.
Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 220 km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ việc hồ là nơi tụ lưu của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Hồ Ba Bể rộng 500ha, có độ sâu trung bình 17-23m, đáy hồ được phủ một lớp đất sét dày 200m. Nhờ tầng đất sét này mà nước không bị thoát ra ngoài, tạo thành hồ. Không những nằm trong top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ năm 2004, hồ còn được công nhận là vườn di sản ASEAN.
Toạ lạc giữa một vùng núi đá vôi rộng lớn, hồ Ba Bể mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng với không khí mát lạnh, dễ chịu. Vào sáng sớm, khi sương chưa tan, hồ mang vẻ đẹp huyền bí của một địa danh rộng lớn bao la. Cũng quang cảnh ấy, dưới ánh mặt trời rực rỡ vào ngày nắng đẹp là bức tranh thủy mặc hữu tình với mặt hồ bao la in đậm bóng núi mây trời, tạo làm say lòng cả những du khách khó tính nhất. Lãng mạn hơn là những cô gái Tày trong bộ đồ màu chàm, lúc ẩn lúc hiện trên những chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé giữa cái bao la trời nước.
Khách đến hồ, nếu đi số đông có thể thuê thuyền máy, nếu ít hay thích mạo hiểm có thể thuê thuyền độc mộc rồi thong thả xuôi thuyền trên hồ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa nghe những câu chuyện cổ tích về hồ qua lời kể của người chèo thuyền kiêm hướng dẫn viên.
Đó có thể là câu chuyện gắn với chiếc hồ có tên đầy màu sắc huyền thoại: Ao Tiên – nằm chênh vênh trên đỉnh núi đá vôi, cách hồ Ba Bể 100m nhưng quanh năm đầy ắp nước trong nhánh Pé Lâm. Hay truyền thuyết về sự hình thành Ba Bể được khắc trên tấm bia đá niên hiệu Khải Định thứ 9 (năm1925) trên đảo Pò Giả Mải – tức Gò Bà Goá tại hồ Pé Lèng.
Ngoài cảm giác thênh thang giữa một vùng trời, núi, du khách cũng trải nghiệm cảm giác tranh tối tranh sáng trong Động Puông dài 300m, cao hơn 30m. Sự bào mòn hàng triệu năm của nước, đã tạo nên những nhũ đá thiên hình vạn trạng, đẹp lung linh và huyền bí cũng như tạo nên nét thơ mộng của dòng sông uốn mình qua những góc hẹp trong động
Rời động Puông, đến bản Húa Tạng, dòng sông Năng bị hàng trăm tảng đá lớn chặn lại khiến phải chia tách thành nhiều nhiều dòng nhỏ, nước chảy xiết tạo thành thác Đầu Đẳng hùng vĩ. Thác dài hơn 1.000m với ba bậc đá, mỗi bậc chênh nhau khoảng 3 đến 4m theo chiều dài, tạo thêm nét hoang sơ và lãng mạn cho Ba Bể.
Không chỉ thu hút du khách ở vẻ đẹp của một hồ giữa lưng chừng núi cùng hệ thống phức hợp ao, động thác, Ba Bể có thu hút du khách với hơn 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống. Dưới lòng hồ có hơn 49 loài cá nước ngọt, trong đó có một số loại quý hiếm như cá chép kính, rầm xanh, anh vũ và cá lăng.
Ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, đến Ba Bể, bạn còn tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của các tộc người Tày, Mông, Dao sinh sống tại 15 bản trong vườn quốc gia. Trong đó, người Tày là tộc người sống tại đây lâu nhất (hơn 2000 năm), cũng là là tộc người đông nhất (58%)
Người dân ở đây rất hiếu khách, chỉ cần ngỏ lời, bạn sẽ được mời về nhà, uống chén rượu ngô cay, nhấm nháp thịt heo mọi gác bếp. Hay hoà mình vào các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ…
Những hình ảnh đẹp về Ba Bể:
Các ngọn thác của Ba Bể. |
Nét yên bình của thôn bản. |
Từ Hà Nội có thể đi xe máy hoặc đón xe khách đi Bắc Cạn ( bến Gia Lâm), tiếp đó đón xe đi thị trấn Chợ Rã, rồi đi xe ôm vào Ba Bể với giá từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng. Nhà nghỉ của vườn quốc gia Ba Bể có giá 150.000 – 250.000 đồng/phòng/2 người. Du khách cũng có thể ngủ tại nhà người Tày tại Pác Ngòi, Pó Lù với giá 30.000 – 50.000 đồng người. Nên dạo chơi hồ bằng thuyền độc mộc để cảm nhận rõ nét sự lãng mạn và sự yên tĩnh của hồ. Các điểm tham quan gồm có đi thuyền thăm hồ, động Puông, thăm thác Đầu Đẳng, ao Tiên, thác Roọm, Phya Khao. Đi chơi chợ phiên Nam Cường, Quảng Khê… |
An Huỳnh – Huy Vũ
(Theo Bưu Điện Việt Nam)
(Theo zing)