Trầm cảm vì đối phó với mẹ chồng quái chiêu
Friday, August 12, 2011 9:05
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Gặp phải mẹ chồng quái tính, nhiều cô dâu chọn sống chịu đựng. Tuy nhiên, sẽ khó bền nếu một bên xây dựng, một bên ra sức phá.
Đòi con trai ngủ cùng vì… ốm
Gọi điện đến Trung tâm tư vấn Linh tâm (1088), chị Nguyễn Hồng Thu kể về cuộc chiến giành giật chồng giữa chị và mẹ chồng. Cuộc chiến đó âm ỉ 10 năm nay, khi chị về làm dâu trong một gia đình chỉ có mẹ và anh, bố mất sớm.
“Biết là mẹ chỉ có mình anh nên khi về làm dâu, mình xác định sẽ yêu bà, biết ơn bà đã một mình chăm sóc anh ấy khôn lớn. Nhưng dường như mình lại là cái gai trong mắt mẹ, cướp đi con trai của mẹ, sao nhãng sự quan tâm của anh ấy tới mẹ” – Chị Thu tâm sự -“Bất kể lúc nào, hắt hơi sổ mũi, bà cũng gọi con trai đến. Họ sống chỉ có hai mẹ con một thời gian dài, nên bà rất trông cậy vào con trai. Mặc dù hai vợ chồng ở phòng khác, bà ở phòng khác, nhưng cứ đêm xuống, bà lại giả vờ mệt để con trai sang nằm cạnh bà, bóp đầu cho bà, thậm chí ngủ cạnh bà để canh đêm hôm có chuyện gì ảnh hưởng tới sức khỏe. Mà bà toàn ốm về đêm mới lạ. Con trai không sang thì bà làm mình làm mẩy, cho rằng con vì vợ mà không thương gì mẹ nữa”.
Chưa hết, có đêm, vợ chồng đang “yêu” thì bà đập cửa bắt con trai đi tìm con mèo cưng cho bà; Chị nấu ăn là bà cứ chê không ngon rồi bắt con trai bỏ mâm bỏ bát đi mua món khác. Bao năm tháng trôi qua như thế, nỗi ấm ức tích tụ trong chị. Nhưng chồng rất thương mẹ, chỉ năn nỉ chị: “Anh chỉ có mình mẹ, mẹ cũng đã hơn 70 tuổi rồi, không sống bao nhiêu nữa nên chiều mẹ một tí đi em”.
Tâm sự với chuyên viên tư vấn, chị cho rằng, chồng chị rất tốt, chị cũng đã rất muốn dung hòa với mẹ nhưng bà cứ dở quẻ như thế và càng ngày càng căng thẳng, chị thực sự không biết phải nên làm như thế nào.
Chăm con dâu kiểu không giống ai
Cũng về làm dâu phố cổ Hà Nội, trong một gia đình có mẹ chồng tay hòm chìa khóa, kinh doanh buôn bán tối ngày nên chị Ngọc Hà (Hà Nam) suốt ngày phải chứng kiến cuộc sống mạnh mồm vì tiền.
Chị vốn là một biên tập viên của một nhà xuất bản nhỏ, mức thu nhập chẳng có gì tự hào so với công việc buôn bán của mẹ chồng. Thế nên, suốt ngày, chị được nghe điệp khúc: “Học hành lắm mà làm gì, bằng đại học có lấy ra mà ăn được đâu. Kiếm nhiều tiền vào, phải có tiền, chứ không có tiền thì chữ không lấy ra mà ăn được”.
Trong gia đình chồng, sự tôn trọng xếp hàng theo khả năng kiếm tiền, nên xung quanh chị, một chút tình cảm san sẻ cho người thân cũng là xa lạ. Sự chênh lệch về văn hóa khiến chị lạc lõng, nhưng đỉnh điểm là cách đối xử của bà mẹ khi chị ở cữ sau khi sinh đứa con đầu lòng.
Nhà chật, không osin, không thể thêm người vào để chăm con, nên chị Hà gần như phải tự chăm lo bản thân ngay sau khi đẻ. Trong tháng đầu, do không ra ngoài, nên mẹ chồng quán xuyến việc đi chợ, nấu cơm.
“Thật khó tưởng tượng nổi là ngay từ mấy ngày đầu tiên, bà đã mua cá đồng, dưa chua về bắt ăn mà không nghĩ gì đến việc kiêng cữ. Bà không cho kiêng, bữa cơm bà gắp luôn cho con cá đồng vào bát, bảo ăn đi: ngày xưa mẹ cũng ăn chả làm sao cả. Ăn xong thì mình bị rối loạn tiêu hóa, đến giờ không dám ăn cá. Rồi bà lại gắp dưa chua cho ăn, cũng làm mình khiếp các món chua đến tận bây giờ” – Chị Hà nhớ lại.
Làm con trai ghét vợ bằng mọi cách
Tâm sự với chuyên gia tư vấn tâm lý Võ Thanh Giang (1088), chị Hằng (Nam Định) kể về cuộc đời làm dâu sóng gió của mình trong một trạng thái nhẫn nhịn đến trầm cảm.
Chị lấy chồng khi ngoài 30 tuổi. Ở quê chị đã có thể bị gọi là quá lứa lỡ thì. Vậy mà chị vẫn lấy được anh, nhà trên phố, có cửa hàng kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng, người mà chị quen rất tình cờ.
Nhà chị nghèo, lại ở quê, chị làm công nhân may. Chính cái gốc gác quê mùa của chị khiến mẹ anh ghét cay ghét đắng chị, xem chị như đũa mốc chòi mâm son, không xứng đáng với con mình.
Thế là chiến dịch “hủy hoại hình ảnh con dâu” trong mắt con trai bắt đầu, khi bà tìm cách sinh sự với chị từ những việc nhỏ nhất như bát đĩa rửa chưa sạch, sắp không đúng vị trí; quần áo của chồng xếp không đẹp; nhà cửa quét chưa sạch… Và mỗi lần anh đi làm về, mẹ chồng lại dựng chuyện, nói chị hỗn, cãi mẹ cái này cái kia.
Ở nhà, khi chỉ có 2 mẹ con, bà lại ra sức nói những lời cay độc với chị, nhất là thời điểm chị phát hiện ra mình khó có khả năng có con vì bị đa nang buồng trứng. Vừa mặc cảm tội lỗi khi mình không có khả năng sinh con, vừa phải chiều mẹ chồng để giữ hòa khí trong gia đình, chị rơi vào trầm cảm.
Một thời gian dài, khi mẹ chồng ngày càng quá đáng, người chồng cũng dao động vì mẹ nói xấu quá nhiều, trách móc chị đã làm nhiều điều không phải với mẹ…. khiến chị nảy sinh ý nghĩ li hôn.
Trong rất nhiều trường hợp gặp phải mẹ chồng quái tính, nhiều cô dâu chọn cách sống nhẫn nhịn, chịu đựng để có mái nhà yên ổn. Tuy nhiên, theo nhà tư vấn Võ Thanh Giang, trung tâm tư vấn Linh Tâm, thì sẽ rất khó bền nếu một bên xây dựng và một bên ra sức phá vỡ.
“Trong rất nhiều trường hợp, chúng tôi khuyên người vợ nên tìm đến chỗ dựa là người chồng bởi trong phần lớn mâu thuẫn xảy ra với mẹ chồng, người con dâu, người vợ đó chưa có buổi nói chuyện thẳng thắn, tìm giải pháp cùng với người chồng.
Trong trường hợp chị Hằng ở Nam Định, chung tôi khuyên chị ấy, mâu thuẫn với chồng hoàn toàn do hiểu lầm. Có thể định kiến của người mẹ thì khó thay đổi nhưng với chồng thì chỉ do hiểu lầm. Do đó, hai người cần xem xét lại tình cảm của mình, chị Hằng cần tác động tích cực hơn lên chồng, chứng minh sự thật để người chồng có trách nhiệm trong việc hòa giải. Nếu họ vẫn còn quyết tâm xây dựng hạnh phúc thì việc có con mới dễ dàng và thuận lợi hơn” – Chị Giang phân tích.
Ở một mối quan hệ mà mẹ chồng luôn lo lắng sợ mất con thì người chồng phải hết sức khéo léo, không thể hiện tình yêu với vợ quá nhiều, và cũng không mất gì nếu cả hai vợ chồng cùng xếp mẹ là nhất, không nên so đo, tranh đua làm gì vị trí nhất nhì với mẹ.
Theo Thanh Bình
VTC
(Theo GiadinhNet)