Chiếc rương của ba
Thursday, September 22, 2011 12:22
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc rương của ba như một báu vật
Tin tôi đậu vào đại học đã nhanh chóng lan đi khắp xóm. Ba mẹ tôi tự hào về đứa con gái gầy nhom đã mang niềm vinh dự cho cả nhà. Ngày tôi chuẩn bị nhập học, ba đốn cây sao cạnh nhà, đem xẻ gỗ. Sau gần một tuần cặm cụi cưa, đục, bào… ba đã đóng xong cho tôi chiếc rương.
Nhìn chiếc rương gỗ mới tinh thơm nồng mùi vẹc-ni tuy không sắc sảo nhưng tôi thầm biết ơn ba đã đổ bao nhiêu công sức vào đó. Trao chiếc rương gỗ cho tôi, ba nói khi lên TPHCM, nó sẽ giúp tôi cất giữ những vật dụng cần thiết và những món đồ quý.
Ảnh minh hoạ: Internet
Chiếc xe đò rời bến đưa tôi lên TPHCM với chiếc rương mới của ba. Đúng như lời ba, ký túc xá, chiếc rương rất hữu ích cho tôi. Chiếc rương được kê ở đầu giường của tôi đã trở thành chiếc bàn học thân thiết của tôi suốt 4 năm đèn sách ở đại học.
Thời ấy, ký túc xá vốn thiếu nước, thiếu điện, mỗi sáng, chúng tôi thường phải lén lút tranh thủ nấu cơm trước khi điện cúp. Để không bị ban quản lý ký túc xá bắt gặp vi phạm quy định nấu cơm bằng điện, mỗi sáng trước khi đến giảng đường, tôi thường cho nồi cơm điện “ẩn náu” trong rương.
Suốt 4 năm ròng chiếc rương luôn sát cánh cùng tôi. Nhờ rương của ba mà suốt thời gian ở ký túc xá, tôi chẳng bị ban quản lý bắt gặp vị phạm nội qui mà trưa về lại có những chén cơm ấm ăn ngon lành lấy sức cho buổi học chiều. Những lần tôi về quê, mẹ thường làm sẵn thức ăn cho tôi ăn dần, để tôi khỏi lo nấu nướng và tập trung học tập.
Ngày tôi tốt nghiệp, tôi rời khỏi ký túc xá. Chất hết quần áo, đồ đạc, mùng mền vào rương rồi chuyển đến chỗ trọ. Kể từ đó, chiếc rương theo tôi đi khắp nhà trọ này đến nhà trọ khác từ quận 1, sang quận 3 có khi đến tận quận 6, Bình Thạnh hay Phú Nhuận… Bấy giờ, chiếc rương không chỉ cất giữ khoản tiền lương nho nhỏ tôi tiết kiệm được, còn giúp tôi có chỗ đọc sách mỗi khi đi làm về.
Khi tôi lấy chồng, chiếc rương lại là nơi cất giữ trang sức cưới, những khoản tiền mà tôi dành dụm để mua nhà. Còn nhớ, ngày tôi chuyển về ngôi nhà mới của chính mình, vật có mặt đầu tiên trong ngôi nhà chính là chiếc rương của ba.
Giờ đây, đã gần 20 năm trôi qua, chiếc rương tuy cũ nhưng luôn được tôi đặt trang trọng ở góc phòng. Mỗi khi đi làm về, tôi thường để chiếc túi xách xinh xinh của mình và cặp của hai con lên đó. Nhiều lúc con tôi hỏi: “Sao mẹ quý chiếc rương đến thế?”, chồng tôi liền bảo: “Đó là của hồi môn ngoại dành cho mẹ”. Tôi mỉm cười sung sướng và các con cũng cười.
Với tôi, chiếc rương không chỉ là của hồi môn mà mỗi khi nhìn vào đó tôi lại thấy hình ảnh của ba, người luôn hết lòng lo lắng cho con cái. Tôi nhớ dáng ba khom khom, gò lưng trước những mũi bào, đục vào từng thớ gỗ để đóng cho tôi chiếc rương này.
Tôi tự nhủ, dù sau này có nhà lầu, xe hơi, tôi vẫn không quên chiếc rương và sẽ đặt rương của ba ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Nguyên Khôi
(Theo nld)