Hướng dẫn viên du lịch (HDV) chính là “linh hồn” của chuyến đi, thế nhưng do quá nhiều HDV hiện nay yếu nghiệp vụ, kém kiến thức mà khách đi tour xong về bực bội đọng lại trong lòng.
Thiếu kiến thức nền và thiếu thông tin thời sự là lỗ hổng lớn nhất của nhiều HDV hiện nay. Trong một tour về miền Tây, khi các vị khách đến từ miền Bắc thắc mắc tại sao tỉnh nào ở đây cũng có huyện Châu Thành? HDV lý giải: “Sở dĩ có tên Châu Thành là đọc trại từ Chiêm Thành (?)”. Các vị khách trong đoàn nghe vô lý quá mới cãi lại. Họ cho rằng, Chiêm Thành là vùng đất ở Nam Trung Bộ, chẳng liên quan gì với Tây Nam Bộ. Đến đây, HDV hứa sẽ… nghiên cứu lại.
HDV giỏi nghề, yếu tố quan trọng đem lại sự thành công cho các công ty lữ hành (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Cho tới giờ, sau nhiều năm, nhưng chị H., du khách ở Hà Nội, vẫn còn bức xúc: “Một lần, đoàn chúng tôi về quê Bác Hồ ở Nghệ An, HDV thuyết minh: Đất nước VN trải qua 4002 năm lịch sử… Cả đoàn ớ người, ủa sao lại có con số lẻ vậy? Hóa ra, HDV cộng thêm 2 năm bởi đó là năm 2002!”. Hoặc chợ nổi Cái Răng được diễn giải như sau: “Ngày xưa có một cô gái gánh nước qua cầu khỉ, không may bị ngã gãy mấy cái răng. Từ đó, người ta đặt tên vùng này là Cái Răng để cảnh báo những người gánh nước qua cầu khỉ hãy cẩn thận”…
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, các trường hiện đào tạo HDV nhưng việc cho đi thực tế rất hạn chế. Có khóa học 4 năm nhưng sinh viên chỉ đi thực tế được hai lần. Rõ ràng, việc đào tạo đã không đáp ứng được yêu cầu của các hãng lữ hành. HDV là một nghề đặc biệt, đòi hỏi phải có kỹ năng. Nhưng kỹ năng thì không thể học lý thuyết không mà phải trải qua thực tế. Hiện các trường đào tạo HDV theo cách ra làm gì cũng được, nếu không làm HDV thì điều hành, thiết kế tour… Cách đào tạo này khiến một khi chọn làm HDV, người lao động đó phải mất thời gian rất lâu mới có thể trở thành chuyên nghiệp. |
HDV nội địa còn mắc tật “nói nhiều, đùa dai” trên xe bất kể giờ giấc. Có HDV lấy tấu hài, nói bậy làm chủ đề chính.
Vợ chồng chị Phương (TPHCM) mua tour của Công ty du lịch V.T.V tham quan Thẩm Quyến và Hồng Kông (Trung Quốc). Sau khi vui chơi ở Thẩm Quyến, vợ chồng chị tới Hồng Kông nhưng không được nhập cảnh, đành quay lại Trung Quốc. Theo quy định của Hồng Kông, du khách phải vào Hồng Kông trước (trường hợp đi bằng đường hàng không), sau đó mới đi Trung Quốc. Còn đã đi Trung Quốc, muốn trở lại Hồng Kông phải xin visa rất phức tạp. Bất đồng ngôn ngữ, do đa số lái xe taxi ở Thẩm Quyến không nói được tiếng Anh, còn vợ chồng chị không nói được tiếng Hoa nên đã mất gần nguyên đêm mới tìm được đường về khách sạn gần biên giới Hồng Kông – Trung Quốc. Mặc dù sau đó được công ty du lịch xử lý vụ việc đến nơi đến chốn, nhưng vợ chồng chị Phương vẫn còn ám ảnh bởi đêm hôm đó phải đổi từ chiếc taxi này đến taxi khác, lại còn bị công an cửa khẩu áp giải vì nghi ngờ nhập cảnh lậu.
Theo ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Voyages, cách xử lý tình huống của HDV cụ thể trong mỗi trường hợp là rất quan trọng, bởi trong bất kỳ “tai nạn” nào, lỗi cuối cùng vẫn xuất phát từ HDV. Nhiều HDV thiếu chuyên nghiệp, khi đưa khách đi nước ngoài thường không tuân thủ một số nguyên tắc hướng dẫn, chẳng hạn không dặn dò khách kỹ lưỡng về giờ giấc lên xuống xe ở các điểm tham quan, mua sắm nên khách rất dễ bị lạc. Nhiều người thừa nhận, HDV nội địa thiếu kỹ năng, từ đó đánh mất vai trò của mình. Thu nhập của nghề HDV không cao, nên HDV đặt nặng vấn đề tiền bạc, từ đó phát sinh tiêu cực, đặc biệt là chuyện hoa hồng.
(Theo 24h)