Ngày nay, người ta đưa các loại giống bắp cho năng suất cao vào sản xuất, song cư dân ven sông Trà vẫn dành một số diện tích đất nhất định để trồng loại bắp truyền thống, gọi là bắp nếp. Loại bắp này năng suất thấp, song giá trị lại cao. Ngoài bắp luộc vẫn thường bán dạo khắp phố, người ta còn dùng bắp nếp để gói ram. Đợi cho trái bắp vừa “ngậm sữa” một thời gian là có thể thu hoạch.
Bóc vỏ ngoài, dùng một loại dao chuyên dụng để “vạt” hạt bắp khỏi cùi. Thêm một ít khoai môn để có mùi ngầy ngậy, bùi bùi, rắc lá hẹ vừa phải, rồi trộn chung tất cả các thứ ấy lại cùng gia vị, sau đó cho vào chảo dầu, bắc lên bếp, vặn nhỏ lửa và tao cho chín đều.
Xong phần nguyên liệu là tiến hành gói ram. Có một loại bánh tráng chuyên để gói ram bắp chứ không thể dùng loại bánh tráng thông thường. Mỗi bánh tráng loại này được gói đủ hai cây ram, to hơn ngón tay cái một chút. Lại bỏ ram vừa gói vào chảo dầu, cho lửa cháy vừa phải, khi nào thấy gói ram chớm vàng là vớt ra tô. Một chén mắm ớt giã với tỏi thật nhuyễn, một đĩa rau thơm thật xanh và một chồng bánh tráng mỏng dùng để cuốn ram với rau. Khách xa lần đầu ăn ram bắp là quên luôn cả cơm lẫn phở.
Thơm – ngon – bổ – rẻ, đó là những gì mà ram bắp sông Trà có thể mang lại cho bạn bắt đầu từ sau Tết âm lịch cho mãi đến trước mùa mưa bão ở miền Trung xuất hiện, lúc ấy, cây bắp không còn chỗ nương thân nên ram bắp cũng tạm thời “ẩn nấp” đợi sang xuân…
Trà Sơn