BBC dẫn lời NASA cho hay, các chuyên gia của họ xác định vệ tinh Nghiên cứu Tầng thượng quyển (UARS) tiến vào bầu khí quyển ở phía trên Thái Bình Dương ở vị trí 14,1 vĩ độ nam và 170,2 kinh độ tây vào khoảng 4h01 ngày 24/9 theo giờ GMT (11h01 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Họ cho rằng những mảnh vỡ không cháy hết của vệ tinh đã rơi xuống phía đông bắc quần đảo Vanuatu thuộc Thái Bình Dương.
Mô hình máy tính của NASA cho thấy tổng khối lượng của những mảnh vỡ không cháy hết vào khoảng 500kg. Chúng rơi xuống một khu vực có chiều dài khoảng 800km. Nếu kết quả của mô hình chính xác, mọi mảnh vỡ đều rơi xuống đại dương.
Vụ rơi của UARS thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.
UARS là vệ tinh nhân tạo lớn nhất của Mỹ rơi không kiểm soát trong vòng 30 năm qua. Cú rơi của nó thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong tuần trước, bởi nhiều nhà khoa học dự báo nó có thể biến thành quả cầu lửa khi cọ xát với không khí.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tốc độ rơi của UARS tăng rất nhanh khi nó bắt đầu lọt vào tầng trên cùng của bầu khí quyển – cách mặt đất chừng 100km. Ban đầu các bộ phận không chắc chắn – như ăng-ten hay tấm pin mặt trời – sẽ bị văng ra khỏi thân vệ tinh bởi tác động của các ngoại lực. Sau đó vệ tinh bốc cháy khi nó lao sâu hơn vào bầu khí quyển do sự cọ xát với không khí. Lúc ấy vệ tinh bắt đầu biến dạng và các bộ phận được tạo ra từ kim loại chịu nhiệt kém sẽ bắt đầu tan chảy.
Những bộ phận được chế tạo từ kim loại chịu nhiệt tốt – như sắt không rỉ, titan, berili – không nóng chảy và rơi xuống đất. Trong số hơn 100 mảnh vỡ của UARS, có khoảng 26 mảnh vỡ sẽ rơi xuống đất có khối lượng từ 1 đến 150kg.
Dự đoán thời gian và địa điểm rơi của rác vũ trụ là việc khó bởi rất nhiều yếu tố tác động tới quá trình rơi của chúng – như sự giãn nở của bầu không khí, hình dạng của rác, hướng rơi, áp suất khí quyển, các cơn gió. NASA từng tuyên bố họ có thể xác định chính xác địa điểm rơi của UARS khoảng hai giờ trước khi nó tiến vào bầu khí quyển, song họ chưa thực hiện được việc này.
(theo khoahoc)