Xót con không phải lối
Monday, September 19, 2011 8:49
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Đúng là chuyện con trẻ làm mất lòng người lớn. Chị Lan dù là con dâu nhưng lại ứng xử thấu tình đạt lý. Còn anh Hoàng, là con trai của ông bà nhưng lại khiến ông bà phải buồn.
Gia đình Nhím ở cùng ông bà nội vì bố Nhím là con trưởng. Ông bà cũng đã nghỉ hưu nên nhận phần trông nom chăm sóc Nhím đến năm Nhím 3 tuổi thì mới cho đi mẫu giáo. Nhím năm nay mới hơn 2 tuổi, tuy là con gái nhưng nghịch không kém một đứa con trai. Ông bà nội còn khỏe là thế mà ngày nào cũng phát mệt với đứa cháu. Vì là cháu đầu nên Nhím rất được ông bà chiều. Kể cả những lần Nhím sai ông bà cũng không bắt Nhím nhận lỗi mà thậm chí còn xuê xoa nịnh cho Nhím không khóc. Điều này vô tình làm cho Nhím hình thành lối suy nghĩ mình không bao giờ có lỗi trong bất cứ việc gì.
Một hôm, ông nội đi vắng, mình bà nội ở nhà vừa trông Nhím vừa nấu cơm. Bà mải cơm nước trong bếp nên sơ sểnh không để mắt đến Nhím một lúc. Chẳng hiểu nghịch ngợm ra sao, Nhím ta ngã dúi mấy bậc cầu thang, tím một bên má và xước một vệt khá dài ở cằm. Nhìn Nhím bà xót xa một thì lại lo mẹ nó về mắng bà gấp vài lần vì tội không trông cháu cẩn thận. Bà vội vàng chườm đá, xoa dầu cho cháu đỡ đau và bớt bầm tím.
Buổi chiều đi làm về thấy con vừa tím mặt vừa xước, chị Lan cũng sốt ruột. Bà nội vội kể lại sự tình, rồi không quên nhận lỗi do bà không để ý đến cháu cẩn thận. Nhưng chị Lan lại không tỏ vẻ trách bà. Chị biết, với đứa con “nghịch như quỷ sứ” này thì mình bà không thể nào vừa trông cháu vừa làm việc nhà được, nhất là bà đã có tuổi rồi. Hàng ngày có hai ông bà ở nhà còn đỡ chứ nay có mình bà thì việc Nhím ngã cũng rất dễ xảy ra. Chị Lan nhỏ nhẹ nói với mẹ chồng: “Chuyện cũng ngoài ý muốn mà mẹ. Nhím nghịch lắm, bị như này cũng là thường thôi, không sảy tay gẫy chân là mừng rồi. Cũng phải vài lần thế này cho cháu nó bớt nghịch đi”. Nghe con dâu nói, bà nội Nhím cũng thấy đỡ áy náy phần nào.
Ấy thế mà khi vừa về đến nhà, thấy con bị vậy, anh Hoàng – bố Nhím đã quát nhắng lên: “Ai làm con ngã thế này. Ở nhà ông bà không trông con à”. Nhím sợ sệt nhìn bố, không dám nhận lỗi về mình: “Bà nấu cơm, Nhím trèo cầu thang một mình bị ngã…” Mới nghe đến thế, chẳng cần hỏi han thêm rõ ràng, bố Nhím đã oang oang mắng bà nội: “Sao bà không để ý đến cháu chứ, nó nghịch thế, sơ sẩy tí là ngã như thường, không cẩn thận có ngày phải đi viện ý. Nhà có hai ông bà, nấu cơm lúc nào chẳng được. Biết thế này cho nó đi gửi trẻ sớm cho xong. Để nhà không yên tâm”.
Bà nội Nhím đứng đó không phân bua được câu nào, mắt bà ngân ngấn nước. Bà biết con trai bà tính nóng, động tí là quát tháo ỏm tỏi mà chả cần nghĩ ngợi sâu xa. Nhưng những lời của con trai làm bà không buồn không được. Bà đã đẻ ra con, nuôi nấng rồi dựng vợ cho nó, giờ thì chăm bẵm con nó, chiều chuộng con nó đến thế mà nay nó lại nói bà như vậy. Nào có phải bà muốn Nhím ngã đâu, có phải bà bỏ bê không trông cháu đâu chứ. Bà thấy tủi thân vô cùng, bà nghĩ, hóa ra giờ có vợ có con, nó coi vợ con nó là nhất, chả cần gì hai ông bà già này nữa. Vừa tủi thân, vừa giận con, bà định bụng ngày mai sẽ bảo chúng làm hồ sơ cho con đi học mẫu giáo sớm đi, ông bà già rồi, muốn được nghỉ ngơi, chứ ông bà không đủ sức mà trông đứa cháu gái nghịch ngợm không khác con trai này nữa.
Tối hôm đó, bà định đi ngủ rồi thì thấy con dâu vào phòng. Bà chưa kịp nói câu nào thì chị Lan đã cất lời trước: “Con biết bà rất giận bố Nhím, vì bố Nhím đã rất quá lời với bà. Con sợ bà buồn lại mất ngủ nên con phải vào nói với bà là con đã nói lại cho bố Nhím hiểu chuyện và anh ấy đã nhận ra là mình sai rồi ạ. Chắc sáng mai là anh ấy sẽ xin lỗi bà thôi. Bà đừng nghĩ ngợi gì nhiều, chuyện cũng không có gì to tát, Nhím cũng chỉ bị xước nhẹ thôi ạ. Bà bỏ qua để dễ ngủ hơn đi ạ”. Lại một lần nữa, mẹ Nhím làm bà thấy thoải mái mà ngủ ngon hơn. Bà tin, chắc chắn sáng mai con trai bà sẽ xin lỗi bà rất sớm. Con trai bà cơ mà!
Đúng là chuyện con trẻ làm mất lòng người lớn. Cùng là một chuyện nhưng cách ứng xử của mỗi người lại làm người ta suy nghĩ. Chị Lan dù là con dâu nhưng lại có cách ứng xử rất thấu tình đạt lý. Chẳng bù cho anh Hoàng, dù là con trai của ông bà nhưng lại có những hành vi khiến ông bà phải buồn chỉ vì không biết nghĩ trước nghĩ sau trước khi nói. Ai bảo, mẹ chồng nàng dâu thì lúc nào cũng xung khắc trong chuyện dạy con dạy cháu chứ.
(theo afamily)