Sông Đa Nhim bắt nguồn từ phía Bắc núi Gia Rích (1.923m), huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chảy qua các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và đổ vào sông Đa Dâng. Không chỉ mang lại nguồn lợi thuỷ điện, sông mà còn tạo ra nhiều ngọn thác kỹ vĩ.
Trong số những ngọn thác đẹp làm từ sông Đa Nhim phải kể đến 3 ngọn thác Liên Khương, thác Gougah và thác Pongour. Tiếc là 3 ngọn thác này đã bị “khai tử” bởi không được quan tâm đúng mức.
Đất Việt giới thiệu vẻ đẹp của 3 ngọn thác này trước khi nó bị xóa sổ:
Thác Liên Khương seAQ
Thác Liên Khương hay thác Liên Khang, có tên cũ là Liên Khàng (Liêng: thác; Khàng: ong vò vẽ hay kiến vàng), tại ngã ba Liên Khương, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 20 từ TP HCM lên Đà Lạt, cách Đà Lạt chừng 27km, cách sân bay Liên Khương khoảng 1km.
Thác rộng khoảng 200m, cao 50m, vào giữa mùa khô đến cuối mùa khô, thác có ít nước. Đây là một ngọn thác hùng vĩ ở Lâm Đồng, gắn liền với những truyền thuyết huyền bí của miền đất Tây Nguyên. Cùng với 2 thác Gougah và thác Pongour, thác Liên Khương là một trong 3 thác nước đẹp trên sông Đa Nhim.
Tương truyền nơi đây vốn là khu rừng nguyên sinh có con suối thơ mộng chảy qua. Trên cây có lắm quả ngọt dành cho người và khỉ. Dưới suối có nhiều cá đến nổi dân làng ăn không hết. Vì lý do đó mà lũ kiến vàng từ vùng núi xa xăm nào đó kéo về ngụ cư. Bởi cuộc sống sung túc nên kiến vàng ngày càng đông. Chúng làm tổ và chiếm vị trí độc tôn khiến người dân bản địa lại thiếu cái ăn. Dân làng phải bắt buộc cầu cứu thần lửa. Nhưng thần lửa càng đốt nhiều thì lũ kiến càng sinh sôi. Thần lửa kiệt sức đành chịu thua. Lũ làng lại dâng lễ vật, đâm trâu cúng Yàng và cầu xin Yàng đánh giặc Kiến Vàng. Cảm động trước lòng thành của dân làng, Yàng đã gọi thần mưa, thần Sấm Sét làm cho lụt to. Nước từ Đa Nhim như nước mắt đổ về cuốn trôi giặc Kiến Vàng. Từ đó dân chúng sống ấm no hạnh phúc. Thác Liên Khương là nơi búa sét cuối cùng đánh tan kiến chúa chạy qua đấy, tạo thành dòng thác sâu và đẹp.
Tuy được xếp hạng di tích quốc gia nhưng hiện nay, do không được quan tâm bảo trì đúng mức, thác Liên Khương đã cạn nước nên đã đóng cửa khai thác, không tổ chức phục vụ khách tham quan. Cuối năm 2008 Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn thư đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tham mưu để Bộ Văn hóa Thông Tin thu hồi giấy phép xếp hạng .
Thác Gougah
Thác còn có tên gọi là thác Ổ Gà (do người dân ở đây họ không gọi là thác “Gougah” mà họ gọi là thác “Ô Ga”, lúc đó đường xá ở đây hư hỏng, chưa trải nhựa, mặt đường có nhiều lỗ hỏng – thường gọi là ổ gà. Vậy nên, người dân ở đây hay nói đùa là thác ổ gà, từ đó quen miệng gọi là thác “ổ gà”, thuộc địa bàn xóm Chung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Thác Gougah nằm sát quốc lộ 20 cách Đà Lạt chừng 37km.
Thác tạo thành bởi dòng Đa Nhim chảy qua thị trấn Liên Nghĩa, đến địa phận xã Phú Hội gặp đứt gãy và đổ xuống độ sâu 30m.
Theo các truyện cổ Nam Tây Nguyên, xưa kia Gougah vốn là một vực sâu kho báu của hoàng hậu Naf Biút (nước Chiêm Thành – Chăm). Naf Biút vốn người Việt, lấy vua Chăm, nàng được vua rất sủng ái, để chữa bệnh cho nàng có quần thần tâu phải xây một cung điện ngoài vương quốc Chămpa để hoàng hậu dưỡng bệnh và vua Chăm đã chấp thuận. Về sau, hoàng hậu mất, nhà vua cho chôn cất ở nơi hoang dã ấy và cho chôn theo một kho tàng vàng, ngọc để hoàng hậu dùng.
Mặc dù cũng đã được xếp hạng di tích quốc gia nhưng hiện nay, thác đã biến mất do ngập nước từ đập nước của nhà máy thủy điện Đại Ninh, vì thế, cuối năm 2008 Sở VH-TT tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn thư đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tham mưu để Bộ Văn hóa Thông Tin thu hồi giấy phép xếp hạng.
Thác Pongour
Thác Pongour hay còn gọi là thác Bảy tầng là một ngọn thác tại huyện Đức Trọng, nằm cách Đà Lạt 50 km về hướng Nam. Thác đổ từ độ cao gần 40m, trải rộng hơn 100m, qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng. Bao quanh là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú.
Truyền thuyết kể rằng, vùng đất Phú Hội – Tân Hội – Tân Thành bây giờ do một nữ tù trưởng K’Ho xin đẹp tên là Kanai cai quản. Nàng có tài chinh phục thú dữ phục vụ lợi ích con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường, luôn tuân lệnh Kanai dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa và sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng ngày càng sung túc, thanh bình.
Mùa xuân năm ấy, đúng ngày rằm tháng Giêng, nàng nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Bốn con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời thân chủ nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết… Bỗng một sáng bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ sừng sững ngọn thác đẹp tuyệt trần. Thì ra, suối tóc Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá, còn những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ, chính là các cặp sừng của đàn tê giác hoá thạch – biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la.
Pongour là tên do người Pháp phiên âm từ tiếng bản địa K’Ho: Pon-gou có nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng. Theo một số tài liệu địa chất của người Pháp, vùng đất này có nhiều kaolin.
Đây cũng là thác nước duy nhất có ngày hội. Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng giêng âm lịch, từ khắp nơi các nam thanh nữ tú không phân biệt dân tộc đổ về đây trẩy hội mùa Xuân. Đây là dịp mà mọi người sống cởi mở, chân tình, tự do tìm hiểu và yêu mến nhau. Tuy nhiên đến nay, thác cũng đã gần như bị “xóa sổ” hoàn toàn vì cạn nước.
(Theo timnhanh)