Kỳ lạ giếng nước không cạn ở Bá Hiến
Wednesday, August 31, 2011 7:14
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Những chiếc giếng nằm rải rác khắp xã Bá Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trải qua 600 năm tồn tại. Người già vùng này kể: họ chưa bao giờ nghe thấy ai nói giếng cạn.
Cảnh vật Bá Hiến còn giữ chất dân dã của một làng Việt cổ với những căn nhà cấp bốn xây bằng đá ong đã ngả màu vàng phếch. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến chiếc giếng cổ còn nguyên vẹn nhất nằm ở cụm di tích đình chùa Giao Sam.
Một trong những giếng cổ còn khá nguyên vẹn ở Bá Hiến.
Tang giếng là bốn tảng đá xanh khép khít vào nhau
Tang giếng có hình vuông, được ghép lại bằng bốn tảng đá xanh, điều thú vị là trên tang có những hình sóng lượn lồi lõm mà các cụ cao niên cho biết đó là dấu tích của việc kéo nước cũng như mài dao kiếm từ mấy trăm năm qua.
Ông Dương Văn Nghê, phụ trách văn hóa xã cho hay, những giếng đá cổ còn sót lại hiện nằm rải rác ở 4 thôn: Thích Trung, Vinh Quang, Thiện Chi và Bá Hương với tổng cộng hơn 10 chiếc. Giếng sâu nhất cũng chỉ gần 5 m tính từ miệng giếng xuống đáy, giếng nông nhất là 2 m nhưng rất ít khi cạn nước.
Những dòng chữ Hán ghi lại niên đại của giếng.
Tất cả tang giếng đều được ghép với nhau bằng mộng bởi 4 khối đá xanh nguyên khối cao khoảng 1,5m, rộng 1m. Trên mỗi khối đá còn lưu lại khá rõ những dòng chữ Hán. Trong đó, giếng cổ nhất có dòng chữ ghi “Hồng Đức nhị thập nhất niên Canh Dần”, một giếng khác lại khắc “Hồng Đức nhị thập tứ niên”.
Như vậy có thể các giếng này đều được khơi cùng một thời gian vào thời Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông), tức là có tuổi đời trên dưới 600 năm. Và khi khơi giếng chắc có khắc chữ để lưu lại nhưng do thời gian nên các dòng chữ này đã bị bào mòn đi nhiều.
Phía dưới tang giếng là những dãy đá hộc, đá cuội, đá bọc to… xếp ngay ngắn từ trên xuống dưới. Trong một lần nạo vét, người ta đã phát hiện ra ở dưới các dãy đá là cát, dưới lớp cát là 2 tấm ván gỗ lim, mỗi tấm dày khoảng 10cm. Những tấm gỗ lim dưới đáy giếng có tác dụng khử độc, loại bỏ các côn trùng có hại thông qua mạch nước ngầm phun từ dưới lòng đất lên.
Thành giếng có những dấu tích lượn sóng lồi lõm của việc mài dao, kiếm.
Theo ông Dương Văn Tưởng thì những giếng cổ được phân bố rải rác khắp làng với những tên gọi khác nhau như giếng Tây, giếng Đông, giếng Đoài, giếng Trước, giếng Chùa, … Nguyên cả một làng gánh nước từ các giếng này về ăn uống, tắm rửa. Các giếng đều rất tốt nước và nước rất trong. Vào mùa hạn hán, cứ người này vừa múc đầy gánh thì giếng cạn nhưng khi người khác vào múc đã thấy nước đầy tràn.
Theo một số cụ cao niên thì ngày xưa người dân trong làng đã tìm thầy phong thủy về xem và họ đã chỉ cho ví trí đào những chiếc giếng này. Bởi thế cho đến nay, người dân Bá Hiến vẫn quen gọi những chiếc giếng cổ này là “giếng Tàu”.
Những chiếc giếng cổ ở Bá Hiến có nhiều đặc điểm giống với giếng của người Chăm, cũng có thể vùng đất này xưa kia đã là nơi cư trú của những người Chăm được vua Lê đưa về. Có lời đồn đại rằng những chiếc giếng cổ này là nơi cất giấu của cải của người Tàu nên khi chúng tôi giơ máy chụp ảnh, nhiều người dân đã tưởng đang dò tìm kho báu.
Ngoài những giếng cổ, Bá Hiến còn lưu giữ nhiều di tích mà tiêu biểu
là chùa Quang Vinh nằm trên gò cao ngay ở đầu làng.
Nhiều cụ cao niên làng Thích Trung khẳng định, thập niên 60 của thế kỷ trước là thời điểm có nhiều giếng đá cổ của làng bị lấp nhất. Thế nhưng khi giếng cũ lấp xong, những giếng mới lại cạn nước, không dùng được nên lại phải khơi đất lên để dùng giếng cũ.
Ông Dương Thành Khuy còn kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến việc mạo phạm giếng cổ. Những phiến đá trong những lần nạo vét đều được người dân xếp ngay ngắn trong ngôi miếu của làng chứ tuyệt nhiên không ai dám sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tồn tại cách đây đã hơn 600 năm, nhiều giếng cổ ở Bá Hiến vẫn giữ được nguyên bản, không cạn nước, được người dân nơi đây coi là “mắt của đất,” là ” trái tim của làng.”
(Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn – Theo MaskOnline)
(Theo afamily)