ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Của chồng công vợ
Sunday, October 23, 2011 9:04
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Cuộc sống không phẳng lặng nên vai trò trụ cột kinh tế gia đình có thể thay đổi và có sự đảo vai giữa chồng và vợ.

Chị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy rất hài lòng khi kể về gia đình mình. Dù việc kinh doanh bận bịu nhưng gia đình chị rất ổn định, các con ngoan, học giỏi, chồng chị hiền lành, chịu khó thay vợ chăm sóc con, quán xuyến việc nhà.
 
Anh Hoàng, một cán bộ kỹ thuật, cũng rất tự hào khoe đã cưới được một cô vợ là hoa khôi của lớp. Giờ đây, tuy đã gần 40 tuổi, vợ anh vẫn giữ được vẻ xinh đẹp, lại còn giỏi giang, khéo léo trong việc điều hành công ty, tổ chức gia đình và giáo dục con. Thế nhưng, khi mọi người trầm trồ gia đình chị Lan thật hạnh phúc thì chị ngập ngừng bày tỏ: “Tôi cũng không biết mình có thật sự hạnh phúc hay không nữa!”.
 
Chị giãi bày: “Vì sao là phụ nữ mà tôi phải bươn chải kiếm tiền trong khi chồng tôi lại nhàn nhã đóng vai phụ? Anh ấy hiền quá hóa khờ, chẳng biết làm ăn gì cả! Tôi thèm được như những người vợ khác, có chồng ra ngoài kiếm tiền mang về nuôi vợ con…”. Còn khi bạn bè ca ngợi anh Hoàng đang có một gia đình tuyệt vời, anh lại ngậm ngùi than thở: “Cũng chẳng hay ho gì lắm đâu. Làm chồng của một người vợ tài giỏi quá, nhiều khi thấy mình kém giá trị và hèn, nhục lắm!”. Cũng vì vậy mà chị Lan thường bẳn gắt, nạt nộ chồng; anh Hoàng đôi khi lại có vẻ buồn bực, gây sự với vợ  một cách vô lý, khiến không khí gia đình họ có những lúc rất ngột ngạt, căng thẳng…
 
Trong thực tế, việc tạo thu nhập cho gia đình của các đôi vợ chồng thuộc các dạng như sau:

- Dạng thứ nhất: Chồng và vợ đều có việc làm nhưng thu nhập của chồng cao hơn của vợ.

- Dạng thứ hai: Hai vợ chồng đều có việc làm nhưng thu nhập của vợ cao hơn.

- Dạng thứ ba: Chỉ có chồng tạo thu nhập, vợ nội trợ quán xuyến gia đình.

- Dạng thứ tư: Chỉ có vợ tạo thu nhập, chồng không làm ra tiền.

Tham khảo ý kiến của hơn 800 người đã lập gia đình bằng câu hỏi: “Theo anh/chị dạng gia đình nào hạnh phúc?”. Kết quả rất giống nhau (ngay cả với các cán bộ làm công tác phụ nữ), là hơn 90% cho rằng kiểu gia đình thứ nhất mới hạnh phúc, khoảng 5% chọn dạng gia đình thứ ba. Nhìn chung, nhiều người vẫn nghĩ, người chồng phải kiếm tiền nhiều hơn vợ thì gia đình mới hạnh phúc.

Quan niệm cứng nhắc về vị trí chủ chốt của người chồng trong gia đình, trước hết là ở vai trò trụ cột kinh tế vẫn chi phối lối sống của các gia đình… và đã gây khó khăn cho cả người chồng lẫn người vợ trong việc thể hiện vai trò của họ; cũng như gây bất lợi cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Điều đó cho thấy, sự bình đẳng giới có thể đang được thúc đẩy mạnh mẽ ngoài xã hội nhưng chưa được thể hiện rõ và đúng đắn trong các gia đình.
 
Phụ nữ có thể mạnh dạn phấn đấu để khẳng định mình trong công việc, thậm chí tự tin vượt qua nhiều đồng nghiệp nam giới về vị trí và thu nhập… nhưng họ vẫn muốn chồng có khả năng kiếm nhiều tiền hơn mình. Nam giới có thể tạo điều kiện hoặc thừa nhận các nữ đồng nghiệp giỏi giang, vượt trội hơn họ nhưng lại không thoải mái khi vợ tài giỏi và kiếm được tiền nhiều hơn mình. Vì vậy, phụ nữ có thu nhập cao hơn chồng thường cảm thấy vướng mắc, thiệt thòi, không được chồng bảo bọc, hoặc bị chồng dằn vặt về tội “khi quân”… Người chồng có vợ giỏi kiếm tiền hơn mình cũng không hề thanh thản, dễ tự ái, tự ti với vợ, từ đó hay dằn dỗi vợ hoặc tự dằn vặt mình…
 
Sự bình đẳng giới cần được hiểu thấu đáo để mỗi thành viên dốc sức làm việc và được phân công đóng góp cho gia đình tùy theo năng lực thực tế chứ không ràng buộc cứng nhắc theo vai trò làm chồng hay làm vợ. Khi đó, những người vợ “giỏi giang” sẽ được các thành viên gia đình thừa nhận, khen ngợi chứ không bị săm soi, xét nét phê phán hoặc tự than thân trách phận thiệt thòi và những người chồng “khiêm tốn” cũng không cảm thấy kém cỏi, thua thiệt hoặc tự làm khổ thân, làm khổ vợ con…

Cuộc sống không phẳng lặng nên vai trò trụ cột kinh tế gia đình có thể thay đổi và có sự đảo vai giữa chồng và vợ. Hơn nữa, giá trị cá nhân không chỉ được xác định bởi khả năng kiếm tiền của họ mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Vì vậy, ai có thu nhập cao hơn không quan trọng bằng việc cả hai vợ chồng đã cùng cố gắng làm việc để trang trải cho cuộc sống gia đình một cách tốt đẹp theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Một khi các thành viên đều nỗ lực phấn đấu vì gia đình thì công sức của họ dù cao hay thấp, số tiền họ làm ra ít hay nhiều cũng cần được coi trọng và họ xứng đáng được sống hạnh phúc bên nhau.

Bình đẳng giới không chỉ nâng đỡ vị trí của phụ nữ trong cuộc sống mà còn giải thoát nam giới khỏi những ràng buộc và các yêu cầu nghiệt ngã trong chức năng “trụ cột” gia đình. Bình đẳng giới không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ thể hiện năng lực và thăng tiến ngoài xã hội mà còn giúp cho các gia đình yên ổn, hạnh phúc hơn. Vì thế, không chỉ phụ nữ cần mạnh dạn thể hiện sự bình đẳng giới trong cuộc sống mà nam giới cũng cần thúc đẩy nhanh bình đẳng giới để đem lại lợi ích chung cho mọi người, trong đó có bản thân họ và cho những phụ nữ  họ yêu thương là mẹ, vợ, chị em và con gái của họ.

Theo Nguyễn Thị Bích Hồng
PNO 

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.