ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Đi chợ Viềng ở… Bắc Kinh
Tuesday, October 25, 2011 21:07
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Chúng tôi không thể không choáng vì “kho tàng” đồ cổ và đồ cũ ở đây xứng danh khu chợ trời lớn nhất không chỉ Bắc Kinh, mà là cả Trung Quốc.

Đã từng nhiều năm đi chợ Viềng (Nam Trực, Nam Ninh, Nam Định), phiên chợ đồ cổ độc đáo, mỗi năm chỉ mở một phiên, phiên nào cũng gây kẹt đường vì dân chơi đồ cổ và du khách chơi xuân từ khắp cả nước kéo về. Cũng từng lọ mọ ở nhiều khu chợ trời ở London (Anh), Bangkok (Thái Lan) và nhiều thành phố trên đất Nhật.
Nhưng tới Panjiayuan (Phan Gia Viên), chúng tôi không thể không choáng vì “kho tàng” đồ cổ và đồ cũ ở đây xứng danh khu chợ trời lớn nhất không chỉ Bắc Kinh, mà là cả Trung Quốc.

Ngủ gục trên đống hàng.

Nằm trong hướng dẫn “Mười điều phải làm nếu bạn có 24 giờ ở Bắc Kinh” của tạp chí Time, chỉ cần gõ mấy chữ “Panjiayuan” hoặc “Beijing antique market” lên trang tìm kiếm Google là sẽ thấy thông tin bạt ngàn và hấp dẫn về khu chợ trời nổi tiếng này.

“Từ những món đồ trang sức rẻ tiền đến những món đồ quý hiếm, từ chiếc mũ của Mao Trạch Đông đến những món đồ sứ thời Minh, từ ấm trà thời nhà Thanh đến những bộ hòm rương Tây Tạng…, đều có thể tìm thấy ở Panjiayuan”.

“Tôi đã mua được ba chiếc bát thời Tống, một chiếc đèn giấy rất đẹp, ba món đồ trong mộ cổ nhà Hán và một con chim bằng đồng từ đời nhà Hán, tức là khoảng 100 năm trước Công nguyên, mà tất cả chỉ mất chưa đến 100 USD trong một buổi sáng” – tiết lộ của Don Gibbs, nguyên là trưởng khoa đào tạo tại nước ngoài của Đại học California ở Bắc Kinh…

Nghe thế, những người mê đồ cổ, sách cổ làm sao cầm lòng cho được!
Ma trận… đồ cổ
Không ai biết đích xác chợ Panjiayuan từ khi nào trở thành chợ trời, tuy nhiên, ban đầu nó gần như là chợ của nông dân, với những hàng hóa giá rẻ và khách thoải mái trả giá.

Nằm ở vành đai ba của Bắc Kinh, nghĩa là vòng ngoài khu trung tâm, Panjiayuan ban đầu vốn là bãi đất trống, nghiễm nhiên trở thành nơi nông dân ngoại thành Bắc Kinh đổ hàng vào thành phố, ban đầu chợ chỉ mở cửa vào cuối tuần.

Từ 5 giờ sáng, khi trời còn lạnh và sương mù dày đặc, những nông dân Trung Quốc đã kìn kìn chở hàng hóa (chủ yếu là đồ cổ, đồ cũ, đồ thủ công mỹ nghệ) trên xe đạp hoặc xe ba gác, thậm chí là vác lên vai đi bộ tới chợ.

Trăm thứ bà rằn.

Giống như khách săn đồ cổ ở chợ Viềng của Việt Nam, dân săn đồ cổ chợ Panjiayuan thường là những khách đi chợ sớm nhất, mang theo đèn pin và kính lúp để săn những món “độc” và “xịn”. Khách du lịch thường tới sau, khi hàng hóa đã được bày ngồn ngộn nhưng ngay ngắn ngay trên mặt đất.

Nhưng dĩ nhiên những hình ảnh này ở chợ Panjiayuan, cũng giống như ở chợ Viềng ở nước ta, đã thuộc về quá khứ của mươi năm trước, khi mà ông giáo sư người Mỹ của Đại học California có thể mua cả “mớ” đồ cổ với giá chưa tới 100 USD; khi Dick Wang, chuyên gia đồ cổ châu Á của nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s đã kiếm được cả một kho tàng ở Panjiayuan và sau đó chia tay Sotheby’s để giờ đây trở thành ông chủ một cửa hàng đồ cổ hạng nhất ở Bắc Kinh.

Thời điểm đó, vào những năm 1990, khi các dự án xây dựng được vẽ lên như nấm khắp các đô thị Trung Quốc, cùng với nó là mở đường, xây nhà máy, các chung cư hiện đại – thì người ta cũng khai quật được nhiều kho đồ cổ bị chôn vùi bao năm dưới lòng đất.

Một phần đống đồ khai quật này được đưa vào bảo tàng, nhưng phần lớn chúng bị lấy cắp và ra… chợ Panjiayuan. Có thời điểm, chỉ trong vòng hai tháng, đã có tới 1.700 ngôi mộ cổ ở tỉnh Hồ Nam bị đào bới trộm đồ!

Không chỉ mở cửa vào cuối tuần như trước, Panjiayuan giờ họp chợ hằng ngày, từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng đông nhất vẫn là cuối tuần.

Dọn hàng vào chợ.

Khi chúng tôi tới chợ vào sáng sớm, vẫn thấy cảnh người người đạp xe hoặc gò lưng đẩy những chiếc xe ba gác chất đầy các thùng cạc tông nặng đồ, kìn kìn tới chợ.

Nhưng hầu hết họ cũng đã trở thành những tay buôn “nước một” – tức là sau khi gom đồ từ nông dân, họ mang tới chợ, bán cho người chơi, cho khách du lịch, hoặc cho những nhà sưu tập nhiều tiền nhưng ít thời gian.

Bởi vậy giá các món hàng đã tăng giá từng năm, nhất là với những hàng “độc”, hiện nay cao hơn vài lần so với cái giá mà Don Gibbs từng trả, thêm nữa, đã thêm nhiều đồ “fake” (hàng giả cổ).

Song dù có vậy, lực hút của Panjiayuan với những người mê đồ cổ vẫn cực lớn, bởi hiếm có ở đâu, lượng đồ cổ, đồ cũ, đồ sưu tầm lại nhiều đến như vậy.

Nằm trên diện tích khoảng gần 50.000 mét vuông, chợ quy tụ trên 4.000 gian hàng với khoảng 10.000 chủ hàng trong đó trên 70% đến từ nhiều vùng khác ngoài Bắc Kinh và khoảng 80.000 lượt khách mỗi phiên.

Lớn như vậy, nên chợ chia thành năm khu: khu chuyên tượng Phật, khu chuyên đồ nội thất, khu đồ cổ cao cấp, khu sách cũ và khu Trung Á.

Riêng khu cuối cùng này lại chia làm bốn tiểu khu: khu chuyên về tranh và dụng cụ vẽ Trung Hoa (bút, nghiên, giấy, mực…), khu chuyên đồ đồng và đồ gỗ cỡ nhỏ, khu đồ dân tộc ít người và riêng một khu đồ sành sứ Trung Hoa.

Xe ba gác chở hàng thùng đồ.

Để đi kỹ một khu, có lẽ cũng phải hết nguyên ngày. Ví như khu sách cũ chẳng hạn, hiện đã phình ra tới hai khu vực trong chợ. Sách cũ, sách mới nhậplậu, album ảnh xưa, tranh cũ, postcard cũ và ti tỉ thứ bà rằn được đổ đống.

Một ông khách khiến nhiều người ngẩn ngơ khi tìm được trong đống bà rằn ấy một mớ tranh vẽ màu nước trên giấy bản truyền thống Trung Hoa cực đẹp và ước tính phải có “tuổi đời” gần cả trăm năm. Rồi vô số sách nghệ thuật, từ hội họa cổ điển phương Tây tới hội họa cổ Nhật Bản, Trung Hoa…

Chưa kể, giữa chợ là nhà đấu giá, thường tổ chức các phiên vào cuối tuần. Hôm chúng tôi tới, ở đây đang diễn ra buổi đấu giá các đồ vật màu đỏ (không biết có cây vĩ cầm màu đỏ không).

Vì không phải thành viên hội đấu giá, chúng tôi chỉ được đứng bên ngoài dòm màn hình theo dõi giá lên chan chát. Một cái huy hiệu Mao Trạch Đông, không rõ có gì đặc biệt mà đấu giá lên tới 12 ngàn tệ (gần 40 triệu đồng).
Móc túi ngọt ngào
Đi chợ Panjiayuan không cẩn thận giống như người bị móc túi, bởi dễ bị mê hoặc bởi đồ và bị hoa mắt ù tai bởi giá. Có những shop với những món hàng thật độc, được đảm bảo 100% không phải đồ nhái, tuy nhiên giá cũng rất “xịn”.
Một du khách nước ngoài đang đứng chiêm ngưỡng
những bức tượng cổ.

Một bộ đồ gồm bếp và ấm pha trà cỡ lớn, bằng gang, chạm khắc công phu, được giới thiệu là hàng Nhật, đề giá 10 ngàn tệ, tức là khoảng 34 triệu đồng! Bộ kiểu tương tự, không hoàn hảo bằng, được bày ngoài đất, lẫn với trăm thứ bà rằn, thì sau khi kỳ kèo trả giá, vào cuối ngày bạn có thể mua được với giá 500 tệ, hoặc rẻ hơn nữa.

Giữa những tay bán hàng sành sỏi và cứng như đinh mà nếu bạn để lộ ra sự say mê của mình với một món đồ nào đó thì khó mà có thể hạ giá được, cũng có những phụ nữ ngồi ngẩn ngơ ở góc chợ với đống đồ sứ đề giá đổ đồng 10 tệ để dọn hàng đi về.

Tôi đã bị “dính đinh” với một thanh niên vì một bức tranh lụa vẽ thiếu nữ chơi đàn, dạng tranh chép, nhưng kỹ thuật gần như hoàn hảo. Anh này phát giá 400 tệ, sau một hồi trả giá, bỏ đi mấy vòng chợ, cuối cùng tôi đành chịu thua, móc nguyên 400 tệ ra đổi lấy bức tranh.

Sau này, khi ra sân bay Bắc Kinh, thấy bày bán đúng bức tương tự đề giá 7.600 tệ (!). Và thú vị hơn nữa, trong cuốn tạp chí đấu giá năm 2010 mua ở khu nghệ thuật đương đại 798 nổi tiếng của Bắc Kinh, tôi đã tìm thấy nguyên bản bức tranh này của tác giả Wang Meifang (Vương Mỹ Phương), được phát giá từ 10.000 đến 20.000 tệ!

Và Panjiayuan không chỉ là chợ. Phía sau những món hàng của Panjiayuan, người ta có thể nhìn thấy những quá khứ lịch sử vàng son và bi thảm của đất nước Trung Hoa.

Cô bán hàng tươi cười mời khách mua hàng.

Một trong những mặt hàng phong phú và đa dạng của chợ này là các vật dụng sinh hoạt và các kỷ vật của các gia đình Trung Quốc bị phát tán trước và trong Cách mạng văn hóa.

Trong đám sách cũ ấy có cuốn album ảnh một gia đình Trung Hoa, với nhiều bức được chụp từ những năm 1920, vậy mà giờ này, thay vì nằm ở một nơi trang trọng trong một ngôi nhà nào đó, thì lại trôi dạt chốn chợ trời.

Những đôi giày bó chân từ thời Mãn Thanh, cuốn “sách đỏ” Mao Trạch Đông, mũ Hồng vệ binh, bếp dầu cũ, ca nước và chậu sắt tráng men,…, tất cả đều gợi lại một thời đã qua của rất nhiều số phận.

Và những món đồ cổ vài trăm, thậm chí cả ngàn năm cũng đang theo chân các nhà sưu tập nước ngoài và du khách rời bỏ quê hương của nó.

Có lẽ vậy, Panjiayuan không chỉ thu hút những vị khách tới mua bán, mà còn cả những vị khách đặc biệt, thậm chí rất đặc biệt, như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert, Thủ tướng Hy Lạp Costas Simitis, Thủ tướng Rumani Nastase, Tổng thống Sri Lanca Chandrika Kumaratunga, Công chúa Thái Lan Sirindhorn…

Nếu một lần tới Bắc Kinh, hãy thử ghé chợ Panjiayuan một lần, xem bạn có bị “choáng” như chúng tôi không!

(Theo timnhanh)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.